Tiền ảo là một trong những sản phẩm công nghệ số
gây ra nhiều tranh cãi và được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Hiện tại, các
quốc gia trên thế giới có quy định khác nhau về tiền ảo, có quốc gia cho phép,
có quốc gia không cấm nhưng cũng không thừa nhận và cũng có quốc gia hoàn toàn
cấm tiền ảo. Vậy tiền ảo được quy định như thế nào theo quy định pháp luật Việt
Nam.
Tiền ảo
là gì?
Tính đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam, khái
niệm về tiền ảo chưa được quy định trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào.
Theo định nghĩa của Ngân hàng Trung ương Châu
Âu (ECB) và cũng là thuật ngữ được hiểu và sử dụng thông dụng trên thế giới:
"Tiền ảo là một loại tiền số (Digital Money) không có quản lý, được phát hành bởi
những người tạo lập - phát triển (Developers) cũng thường là người kiểm soát và
được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo
nhất định”.
Quy định
pháp luật Việt Nam về tiền ảo
Việt Nam chưa có khung pháp lý chính thức về tiền
ảo. Việt Nam không cấm tiền ảo nhưng cũng không thừa nhận tiền ảo.
Pháp luật về tiền tệ và ngân hàng
Tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp
pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện
thanh toán là hành vi bị cấm theo quy định khoản 2 Điều 1 Nghị định số
80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP
ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
Việc phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện
thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến
100.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định số
88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 cua Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; nặng hơn thì sẽ bị truy cứu trách
nhiệm hình sự với tội danh vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động
khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa
đổi, bổ sung năm 2017.
Pháp luật dân sự
Tiền ảo không được xem là tài sản. Theo khoản 1
Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền
tài sản. Tiền ảo không thuộc 1 trong 4 loại này nên tiền ảo không được coi là
tài sản. Vì vậy, việc sở hữu, sử dụng, mua bán, giao dịch tiền ảo như một loại
tài sản sẽ mang lại rủi ro rất lớn cho người sở hữu, người tham gia giao dịch
tiền ảo và không được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, vì chưa có quy định pháp luật
rõ ràng về tiền ảo nên gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan có thẩm
quyền trong việc giải quyết các tranh chấp về tiền ảo. Các tranh chấp thường
phát sinh liên quan đến tiền ảo gồm quyền sở hữu tiền ảo, mua bán tiền ảo, vay
mượn tiền ảo, thừa kế tiền ảo và bồi thường thiệt hại trong giao dịch tiền ảo.
Pháp luật đầu tư kinh doanh
Pháp luật hiện
hành không có quy định cấm đầu tư kinh doanh ngành nghề liên quan đến tiền ảo.Trong
danh sách các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều
kiện quy định tại Điều 6 và Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 đều không liệt kê hoạt
động kinh doanh liên quan đến tiền ảo. Dựa trên nguyên tắc "mọi người có quyền
tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm” theo Điều 33 Hiến
pháp thì các doanh nghiệp được thực hiện hoạt động kinh doanh, mua bán, chuyển
nhượng, huy động vốn bằng tiền ảo.
Pháp
luật thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng
Tiền ảo không phải là đối tượng chịu thuế giá
trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế giá trị
gia tăng năm 2008: "Đối tượng chịu thuế là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất,
kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam ...” cũng như theo quy định tại Điều 2 và Điều
3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 thì đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú
có thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Cho
đến thời điểm hiện nay, chưa có bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định
tiền ảo là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho
sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam.
Đây là một lỗ hổng của pháp luật khi các cá nhân, tổ chức mua bán tiền ảo trên internet tạo ra thu nhập lớn nhưng không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ
CAO là những giá trị chúng tôi mang tới
cho quý khách. Rất mong nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng dành cho
Khánh An để chúng tôi có thể phát triển tiếp và giúp Quý khách nhiều hơn.
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN KHÁNH AN
Địa chỉ: Toà nhà 88 Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline:02466.885.821 hoặc 096.987.7894
Email:info@khanhanlaw.net
Website:https://khanhanlaw.com/