Câu hỏi:
Em có nghe rất nhiều đến chữ ký số, nhưng chưa hiểu chữ ký số là gì, sử dụng để làm gì và điều kiện sử dụng nó như thế nào? Mong anh chị giải đáp giúp em.
Người gửi: Bạn Huyền Trang (Bắc Ninh).
Nội dung tư vấn:
Cảm ơn bạn Huyền Trang đã gửi câu hỏi đến chuyên mục tư vấn luật của Công ty Tư vấn Khánh An. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lý.
– Nghị định số 26/2007/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành luật giao dịch điện tử về chữ ký số và chứng thực chữ ký số;
– Nghị định số 106/2011/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định số 26/2007/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành luật giao dịch điện tử về chữ ký số và chứng thực chữ ký số;
– Nghị định số 156/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
2. Giải đáp thắc mắc.
Trong nền kinh tế hiện đại, công nghệ thông tin phát triển ngày càng mạnh mẽ, việc sử dụng chữ ký số của các Doanh nghiệp đang ngày càng phổ biến hơn. Bởi nó đem lại rất nhiều tiện lợi như nhanh gọn, tiết kiệm về thời gian và chi phí.
– Chữ ký số là gì?
+ "Chữ ký số” là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng theo đó người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khoá công khai của người ký có thể xác định được chính xác: Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khoá bí mật tương ứng với khoá công khai trong cùng một cặp khóa; Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên. (Khoản 4, điều 3, Nghị định 26/2007 quy định chi tiết thi hành luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số)
+ Chữ ký số còn được gọi là chứng thư số là một con dấu để xác nhận văn bản này là của của Doanh nghiệp, sử dụng để ký thay cho chữ ký thông thường, được ký trên các loại văn bản và tài liệu số như : word, excel, pdf,… những tài liệu này dùng để nộp thuế qua mạng, khai hải quan điện tử và thực hiện các giao dịch điện tử khác.
– Chữ ký số phải được đảm bảo an toàn bởi các điều kiện sau:
+ Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khoá công khai ghi trên chứng thư số có hiệu lực đó;
+ Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài được công nhận tại Việt Nam cấp;
+ Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký;
+ Khóa bí mật và nội dung thông điệp dữ liệu chỉ gắn duy nhất với người ký khi người đó ký số thông điệp dữ liệu.
– Theo quy định tại điều 4 của Nghị định 106/2011/NĐ-CP, nội dung của chữ ký số gồm có: "Tên của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; Tên của thuê bao; Số hiệu của chứng thư số; Thời hạn có hiệu lực của chứng thư số; Khóa công khai của thuê bao; Chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; Các hạn chế về mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư số; Các hạn chế về trách nhiệm pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; Các nội dung cần thiết khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.”
-Về việc sử dụng chữ ký số: (Quy định tại Nghị định số 156/2016/NĐ-CP)
Cơ quan tài chính và tổ chức, cá nhân có tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính với cơ quan tài chính phải sử dụng chữ ký số.
+ Các loại chứng thư số được sử dụng để ký số trong hoạt động tài chính giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan tài chính: Chứng thư số được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; chứng thư số được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị; chứng thư số nước ngoài được công nhận; chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam; chứng thư số nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế.
Điều kiện, phạm vi và đối tượng sử dụng đối với từng loại chứng thư số trong hoạt động tài chính phải tuân theo quy định của pháp luật về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
+ Cơ quan tài chính tham gia giao dịch điện tử có ràng buộc bởi điều ước quốc tế về chữ ký số mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì phải thực hiện theo điều ước quốc tế đó.
+ Bộ Tài chính quy định cụ thể các giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính bắt buộc phải sử dụng chữ ký số.”
Chữ ký số đem lại rất nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các giao dịch như kê khai thuế qua mạng, kê khai hải quan điện tử, giao dịch trong lĩnh vực Bảo hiểm. Chính vì tính tiện lợi này mà hiện nay ở Việt Nam đã có nhiều nhà cung cấp chữ ký số như: Viettel, Fpt, Bkav, Ck, VNPT, Vina, Newca, Nacencomm và Safe.
Trên đây là những ý kiến tư vấn của chúng tôi, hi vọng có thể giải đáp được thắc mắc của bạn.
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO Là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894.
Email: Info@Khanhanlaw.net