Nghiên cứu hồ sơ vụ án là quá trình đánh giá các tài liệu trong mối quan hệ biện chứng nhằm sâu chuỗi các tình tiết, sự kiện được ghi nhận trong hồ sơ. Để có thể bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cũng như đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, Luật sư phải tốn rất nhiều thời gian và công sức cho việc nghiên cứu hồ sơ. Trong giai đoạn này, Luật sư vừa phải nghiên cứu hồ sơ của khách hàng, vừa nghiên cứu hồ sơ vụ án, vì vậy đòi hỏi Luật sư phải có kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học, hợp lý nhằm nắm được các thông tin quan trọng, kiểm tra thông tin, rút ra điểm lợi thế và điểm bất lợi của các bên tranh chấp.
Chính vì thế, thông qua bài viết dưới đây, Khánh An xin trình bày về Kỹ năng của Luật sư/Chuyên viên tư vấn khi nghiên cứu hồ sơ vụ án yêu cầu chia thừa kế
1. Khái quát quy định pháp luật về thừa kế
Căn cứ vào các quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Thừa kế được chia thành thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo di chúc (quy định tại Chương XXII BLDS 2015) là việc chuyển dịch tài sản thừa kế của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi còn sống.
Thừa kế theo pháp luật (quy định tại Chương XXIII BLDS 2015) là việc dịch chuyển tài sản thừa kế của người đã chết cho người sống theo quy định của pháp luật nếu người chết không để lại di chúc hoặc để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp.
Nghiên cứu hồ sơ nhằm nắm được các thông tin quan trọng, kiểm tra thông tin, rút ra điểm lợi thế và điểm bất lợi của các bên tranh chấp
2. Các nội dung Luật sư/Chuyên viên tư vấn cần quan tâm làm rõ trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án chia thừa kế
2.1. Xác định đúng yêu cầu của đương sự
Nói cách khác, Luật sư phải chủ động làm việc với thân chủ để nắm bắt được các yêu cầu thực sự của khách hàng trong việc giải quyết vụ án như thế nào. Luật sư nghiên cứu hồ sơ vụ án thừa kế cần đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của khách hàng, đặc biệt là những lợi thế của khách hàng, các căn cứ của yêu cầu, phản bác yêu cầu của khách hàng và các căn cứ do các đương sự khác trong vụ án đưa ra
2.2. Xác định người để lại di sản thừa kế, người thừa kế, thời điểm mở thừa kế
Để có thể xác định đúng vấn đề này, Luật sư nghiên cứu các nguồn chứng cứ trong đó chứa đựng các chứng cứ chứng minh về người để lại di sản thừa kế. người thừa kế, thời điểm mở thừa kể như: hộ khẩu gia đình, giấy khai sinh, giấy chứng từ, quyết định tuyên bố một người đã chết của Tòa án có hiệu lực pháp luật, bản khai lý lịch, lời khai của các đương sự, người làm chứng; quyết định công nhận việc nuôi con nuôi, di chúc và các nguồn chứng cứ khác.
2.3. Xác định di sản thừa kế
Để xác định tài sản mà các bên tranh chấp có thuộc sở hữu của người để lại di sản thừa kế không, Luật sư cần phân biệt đó là động sản hay bất động sản.
Nếu tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản. Luật sư nghiên cứu các chứng cứ chứng minh tài sản đó có phải là di sản thừa kế đó không. Các chứng cứ này có thể chứa đựng trong các nguồn chứng cứ khác nhau: các tài liệu đọc được như giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng, các giấy tờ về quá trình thực hiện hợp đồng, các tài liệu nghe được, nhìn được (băng ghi âm, ghi hình); vật chứng lời khai của các bên đương sự, lời khai của người làm chứng…
Nếu là bất động sản không có các giấy tờ hợp lệ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng. Luật sư nghiên cứu các tài liệu chứng cứ về nguồn gốc tài sản. Khi xác định được di sản thừa kể là nhà, đất và khách hàng yêu cầu được hưởng di sản thừa kể bằng hiện vật, Luật sự cần nghiên cứu về diện tích, kích thước, đặc điểm, các mặt tiếp giáp…
Ngoài ra, Luật sư phải nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ phản ánh sự biến động của di sản thừa kể từ thời điểm mở thừa kể đến thời điểm tranh chấp: nghĩa vụ tài sản của người để lại di sản thừa kể: di tặng: phân di sản nào được người lập di chúc định đoạt dùng vào việc thờ củng… Kết quả của việc nghiên cứu về di sản thừa kế là Luật sư phải xác định được chính xác phạm vi của di sản chia thừa kế.
2.4. Xác định hình thức, nội dung của bản di chúc
Nếu trong hồ sơ vụ án có yêu cầu chia thừa kế theo di chúc, Luật sư cần phải tìm hiểu kỹ nội dung, hình thức di chúc có đúng quy định pháp luật ở thời điểm lập di chúc hay không? Hợp pháp một phần hay toàn bộ? Có người thừa kế bắt buộc không? Ý chỉ đích thực của người để lại di sản là gì? Từ đó tạo thuận lợi cho các đề xuất sau này lên Tòa án.
Luật sư/ Chuyên viên tư vấn cần có những phương pháp nghiên cứu cụ thể, hợp lý, khoa học và hiệu qủa
3. Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án chia thừa kế
Đối với tất cả các vụ án dân sự nói chung, vụ án chia thừa kế nói riêng, Luật sư/ Chuyên viên tư vấn cũng cần có cho mình những phương pháp nghiên cứu cụ thể, hợp lý, khoa học và hiệu qủa.
Việc nghiên cứu hồ sơ nên bắt đầu từ đơn khởi kiện, lời khai của nguyên đơn, bị đơn, nhân chứng… các biên bản đối chất, biên bản hòa giải do những người tham gia tố tụng cung cấp, do Tòa án thu thập và nghiên cứu theo thứ tự thời gian. Nghiên cứu hết lời khai của nguyên đơn này, mới chuyển sang nghiên cứu lời khai của nguyên đơn khác, khi nghiên cứu hết lời khai của nguyên đơn mới chuyển sang nghiên cứu lời khai của bị đơn, nhân chứng. Khi nghiên cứu cần có bản ghi tóm tắt nội dung từng bút lục. Những hồ sơ dày cả trăm trang đến nghìn trang tài liệu, việc ghi tóm tắt sẽ rất có ích trong việc tổng hợp, đánh giá, đối chiếu khi phát hiện có sự mâu thuẫn và thuận lợi khi cần sử dụng tài liệu tại phiên tòa.
3.1. Nghiên cứu đơn khởi kiện
Nghiên cứu đơn khởi kiện của nguyên đơn vì đơn khởi kiện của nguyên đơn chứa đựng các yêu cầu của nguyên đơn, đó là đối tượng xem xét và giải quyết của Tòa án. Kèm theo đơn kiện là hồ sơ khởi kiện của nguyên đơn, Luật sư cần phải nghiên cứu kỹ tập hồ sơ này. Nghiên cứu các tài liệu của bị đơn vì thông thường tài liệu của phía bị đơn cung cấp có thể bao gồm các tài liệu mà bị đơn dùng để phản bác lại yêu cầu của nguyên đơn.
3.2. Nghiên cứu lời khai của đương sự
Luật sư nghiên cứu các lời khai của những người tham gia tố tụng, kể cả lời khai của thân chủ mình, biên bản đối chất, biên bản hòa giải,… Việc nghiên cứu các lời khai này giúp Luật sư tìm ra các lời khai mâu thuẫn nhau để phản bác lại lời khai đó, nhằm khẳng định hoặc bác bỏ chứng cứ đó.
3.3. Nghiên cứu tập tài liệu do Tòa án xác minh, thu thập được
Đây là một phần rất quan trọng trong tòan bộ hồ sơ vụ án. Thông qua tài liệu này có thể bổ sung cho các tài liệu của khách hàng. Từ các tài liệu khác nhau nếu biết kết hợp sẽ giúp luật sư đánh giá chứng cứ của tổng thể vụ án được tốt hơn.
3.4. Nghiên cứu các tài liệu khác có trong hồ sơ
Việc nghiên cứu các tài liệu khác có trong hồ sơ sẽ giúp luật sư tìm ra những chứng cứ có lợi cho khách hàng của mình.
Trên đây là bài viết tư vấn về Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ của Luật sư/Chuyên viên tư vấn trong các vụ án yêu cầu chia thừa kế. Quý khách hàng nếu còn có những thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ đến Khánh An để được nhận tư vấn.
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN KHÁNH AN
Address:Toà nhà 88 Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội
Mobile: 02466.885.821 / 096.987.7894
Web: Khanhanlaw.com
Email: Info@khanhanlaw.net
Rât hân hạnh được hợp tác cùng Quý khách!
Khuyến cáo:
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.
Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ của bài viết, vui lòng gửi email đến info@khanhanlaw.net.
Khánh An là một công ty tư vấn tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp và Đầu tư. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi qua website: khanhanlaw.com hoặc liên hệ trực tiếp qua số Hotline: 02488.821.921 hoặc 096.987.7894.