Tài sản trí tuệ là một loại tài sản đặc biệt, do vậy việc định giá tài sản trí tuệ không áp dụng đơn thuần như các phương pháp định giá tài sản thông thường. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành, có bao nhiêu phương pháp định giá tài sản trí tuệ?
1/ Cơ sở pháp lý
-Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC,
-Thông tư số 06/2014/TT-BTC
2/ Nội dung
Căn cứ theo quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng, có 03 phương pháp định giá tài sản trí tuệ chính sau:
(1). Phương pháp định giá tài sản theo cách tiếp cận từ chi phí.
Phương pháp định giá tài sản theo cách tiếp cận từ chi phí là phương pháp ước tính tài sản trí tuệ dựa trên căn cứ là các tài liệu, số liệu phản ánh nguồn lực tài chính, nhân lực, vật lực đã đầu tư để tạo ra tài sản trí tuệ đó hoặc tài sản trí tuệ tương đương.
Về cách thức: tính tổng các chi phí như là một công cụ để định giá bao gồm chi phí quá khứ, chi phí thay thế hoặc tái tạo với nguyên tắc, giá trị tài sản trí tuệ không lớn hơn chi phí tạo nên nó. Theo đó có 02 cách tính (phương pháp tính):
- Phương pháp chi phí quá khứ: Chi phí quá khứ bao gồm tổng chi phí đã được đầu tư tạo ra và phát triển đối tượng sở hữu trí tuệ. Cụ thể, bao gồm các chi phí sau: Chi phí nghiên cứu, phát triển; Chi phí đăng ký, duy trì hiệu lực của văn bằng bảo hộ; Chi phí quảng cáo, tiếp thị; Chi phí hoạt động thực thi, bảo vệ. Về ưu điểm: Các số lượng phục vụ cho việc tính toán tương đối rõ ràng, dễ thu thập ( vì thường được thống kê trong sổ sách của doanh nghiệp); cách thức tính toán đơn giản, dễ thực hiện chỉ cần xác định rõ những khoản mục cần thiết phải sử dụng và cộng dồn. Về hạn chế: Vì dựa trên cơ sở thông tin do chủ sở hữu cung cấp, thiếu tính khách quan, thuyết phục đối với bên đối tác.
-Phương pháp định giá theo chi phí thay thế: Chi phí thay thế là những chi phí ước tính sẽ phải bỏ ra để nghiên cứu, triển khai, tạo ra tài sản trí tuệ tương tự. Căn cứ theo Điều 10 Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC và mục 10 của Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13- thông tư số 06/2014/TT-BTC, Giá trị ước tính của Tài sản vô hình = Chi phí tái tạo (Chi phí thay thế) - Hao mòn lũy kế + Lợi nhuận của nhà sản xuất. Về ưu điểm: Thích hợp khi áp dụng để đàm phán mua bán, li – xăng tài sản trí tuệ với lập luận bên nhận sẽ phải bỏ ra một chi phí như vậy trong một thời gian dài để tạo lập sở hữu trí tuệ tương đương.Về hạn chế: thực tế khó với tính chính xác chi phí để tạo ra đối tượng tương đương trong tương lai.
(2). Phương pháp định giá theo cách tiếp cận thị trường
Căn cứ theo Điều 11, Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BKHCN-BTC và mục 9 Thông tư số 06/2014/TT-BTC cũng như thực tiễn thực thi,theo phương pháp định giá theo cách tiếp cận thị trường: Giá trị của tài sản trí tuệ được xác định căn cứ vào việc so sánh, phân tích thông tin của các tài sản trí tuệ tương tự có giá giao dịch trên thị trường. Giá trị tài sản trí tuệ được coi là ngang bằng với giá trị của một tài sản trí tuệ tương đương đã được giao dịch trên cùng một thị trường tự do.
Ngoài cách tính xác định giá trị tài sản nêu trên, trong phương pháp tiếp cận từ thị trường còn có một cách định giá tài sản trí tuệ nữa đó là phương pháp định giá dựa trên giá trị tài sản của doanh nghiệp được công bố trên thị trường. Theo phương pháp này, giá trị tài sản trí tuệ được xác định bằng giá trị tài sản sản doanh nghiệp trừ đi tài sản khác. Trong đó, giá trị của tài sản trí tuệ sẽ được xác định dưới dạng giá trị tổng hợp của các loại tài sản trí tuệ có trong doanh nghiệp Ví dụ, tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp có thể bao gồm nhãn hiệu, bí mật kinh doanh, tên thương mại,…giá trị tài sản trí tuệ xác định theo phương pháp này được tính chính là giá trị của tổng các tài sản trí tuệ: giá trị nhãn hiệu+ bí mật kinh doanh +tên thương mại+…Phương pháp này khá dễ dàng khi áp dụng để tính tổng giá trị tài sản trí tuệ nhưng lại không xác định cụ thể giá trị riêng lẻ của từng loại tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp có.
Về ưu điểm: phương pháp này có tính khách quan và chính xác cao. Ngoài ra, nó còn có khả năng áp dụng đơn giản (nếu sẵn có các giao dịch với chỉ số và tình huống kinh tế phù hợp).
Về hạn chế: phương pháp này có thể sẽ khó áp dụng bởi: Các giao dịch có tính tương tự trên thị trường không nhiều; Thị trường có rất ít các thông tin được công khai cụ thể để làm cơ sở so sánh; Sự giới hạn của thị trường có thể làm cho kết quả định giá mang tính chủ quan và không hợp lý.
(3). Phương pháp định giá theo cách tiếp cận từ thu nhập
Phương pháp định giá tiếp cận theo thu nhập là việc tính toán giá trị của tài sản trí tuệ dựa trên lợi ích kinh tế mà nó mang lại
Giá trị của tài sản trí tuệ theo phương pháp này được đánh giá dựa trên ba yếu tố:
-Lợi ích kinh tế mang lại trong quá khứ;
-Lợi ích kinh tế mang lại trong hiện tại;
-Lợi ích kinh tế mang lai trong tương lai.
Khi đánh giá theo phương pháp này, cần cân nhắc những yếu tố sau:
+ Lợi ích được trông đợi từ tài sản trí tuệ là gì?
+ Lợi ích trông đợi từ tài sản trí tuệ có thể kéo dài bao lâu?
+ Lợi ích này có thể tăng lên hay giảm sút?
+ Việc đạt các lợi ích tiên liệu đó có kéo theo nguy cơ nào không?
Về ưu điểm: phương pháp này có thể áp dụng đánh giá đối với tất cả các loại tài sản trí tuệ.
Về hạn chế: phương pháp này khó có thể dự báo chắc chắn về khoản thu nhập cũng như những rủi ro trong tương lai.
Trên đây là tư vấn của Công ty TNHH Tư vấn Khánh An về các phương pháp định giá tài sản trí tuệ đang được pháp luật thừa nhận cũng như sử dụng phổ biến trên thực tiễn. Các chủ thể sẽ căn cứ tùy vào đối tượng, hoàn cảnh, thời điểm, tình huống cụ thể… để lựa chọn phương pháp định giá tài sản trí tuệ cho phù hợp nhất.
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO Là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894.
Email:Info@Khanhanlaw.net
Hoặc để lại thông tin qua Website Khanhanlaw.com. Chúng tôi sẽ liên hệ lại tới Bạn sớm nhất.