Câu hỏi: Chào công ty TNHH Tư vấn Khánh An, mình đang có vấn đề thắc mắc mong muốn công ty tư vấn như sau: Mình và vợ kết hôn được 10 năm, có 02 con chung năm nay 8 tuổi và 3 tuổi. Hiện do mâu thuẫn, hai vợ chồng mình đã không còn sống chung được gần 01 năm. Tuy nhiên chưa giải quyết được vấn đề về tài sản nên vẫn chưa thể ly hôn. Hiện vợ mình đang chăm con. Mình vẫn sang thăm. Tuy nhiên, dạo gần đây cô ấy không cho mình gặp con và không cho mình đón cháu về chơi với ông bà. Sau nhiều lần bàn bạc thì vợ mình yêu cầu mình phải lập một cái thỏa thuận quyền nuôi con trong thời kì hôn nhân và công chứng văn bản này. Tuy nhiên, mình không biết liệu thỏa thuận này có hợp pháp hay không? Mong Công ty có thể tư vấn giúp mình.
Người gửi: Anh Dương Phong ( Hồ Chí Minh)
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về chuyên mục tư vấn pháp luật của Công ty TNHH Tư vấn Khánh An. Với vấn đề của bạn, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
1/ Cơ sở pháp lý
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
2/ Giải đáp thắc mắc
Căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: "Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.
Theo đó, pháp luật hiện hành chỉ quy định việc vợ chồng có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ và quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con cái. Trường hợp thỏa thuận về quyền nuôi con trong thời kì hôn nhân pháp luật hiện hành không quy định trực tiếp.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 68 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: "Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”
Như vậy, vì pháp luật về Hôn nhân và gia đình không có quy định liên quan đến vấn đề này, nên với trường hợp của bạn vẫn có thể thực hiện lập văn bản thỏa thuận phân chia quyền nuôi con như một thỏa thuận dân sự. Trong đó, nội dung của thỏa thuận sẽ không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Tuy nhiên, về vấn đề công chứng văn bản thỏa thuận, do nội dung trong văn bản hiện nay luật không quy định, do đó, văn phòng công chứng rất có thể sẽ không thực hiện công chứng văn bản có nội dung phân chia quyền nuôi con trong thời kì hôn nhân này.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty TNHH Tư vấn Khánh An về thắc mắc của bạn.
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO Là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894.
Email:Info@Khanhanlaw.net
Hoặc để lại thông tin qua Website Khanhanlaw.com. Chúng tôi sẽ liên hệ lại tới Bạn sớm nhất.