Các
doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có liên
doanh, liên kết với nước ngoài có nhu cầu đưa người lao động Việt Nam đi đào
tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng ngành nghề ở nước ngoài. Tuy nhiên việc đưa
người lao động đi đào tạo ở nước ngoài phải được thực hiện theo đúng quy định
của pháp luật. Trong bài viết dưới đây, Khánh An xin tư vấn tới Quý khách hàng
quy định của pháp luật về doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi
đào tạo, nâng cao tay nghề ở nước ngoài.
1. Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Lao động 2019;
- Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
theo hợp đồng 2020;
- Nghị
định 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Điều kiện của doanh nghiệp Việt Nam
Để có thể đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài đào tạo
và nâng cao tay nghề, doanh nghiêp Việt Nam cần đáp ứng những điều kiện sau:
(i) Có hợp đồng nhận lao động thực tập với cơ sở tiếp nhận
thực tập ở nước ngoài để đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình
độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phù hợp với quy định về hợp đồng nhận lao động
thực tập và đăng ký hợp đồng nhận lao động;
(ii) Có tiền ký quỹ thực hiện theo hợp đồng nhận lao động
thực tập theo quy định của Chính phủ, cụ thể là:
- Doanh nghiệp thực hiện việc ký quỹ tại một ngân hàng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt
Nam;
- Mức tiền ký quỹ bằng 10% một lượt vé máy bay hạng phổ
thông từ nơi làm việc về Việt Nam tính theo số lượng người lao động đi làm việc
ở nước ngoài trong Hợp đồng nhận lao động thực tập.
(iii) Chỉ được đưa người lao động có hợp đồng lao động và
hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề
tại cơ sở tiếp nhận thực tập ở nước ngoài theo hợp đồng nhận lao động thực tập;
(iv) Ngành, nghề, công việc cụ thể người lao động Việt Nam
đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phải phù hợp với lĩnh
vực của doanh nghiệp.
3. Hợp đồng nhận lao động thực tập
Hợp đồng
nhận lao động thực tập phải phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật của
nước tiếp nhận lao động thực tập, bao gồm:
- Thời hạn thực tập;
- Số lượng người lao động; ngành, nghề thực tập; độ tuổi
của người lao động;
- Địa điểm thực tập;
- Thời giờ thực tập, nghỉ ngơi;
- An toàn, vệ sinh lao động;
- Tiền lương, tiền công;
- Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại;
- Chế độ khám, chữa bệnh;
- Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn
giao thông, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm khác (nếu có);
- Điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và trách nhiệm
bồi thường thiệt hại;
- Trách nhiệm của các bên khi người lao động gặp rủi ro
trong thời gian thực tập ở nước ngoài;
- Trách nhiệm của các bên trong việc giải quyết vấn đề phát
sinh đối với người lao động trong thời gian thực tập ở nước ngoài;
- Cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh
chấp;
- Thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
4. Hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài
Hợp đồng
đào tạo nghề ở nước ngoài là thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp Việt Nam
với người lao động của mình về việc đào tạo, nâng cao trình độ, lỹ năng nghề ở
nước ngoài; phải bảo đảm quy định của Bộ luật Lao động và phù hợp với nội dung
của hợp đồng nhận lao động thực tập.
5. Đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập
Doanh
nghiệp cần phải đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập theo quy định sau đây:
- Doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng
cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài có thời hạn dưới 90 ngày phải đăng ký
tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ
sở chính;
- Doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng
cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài có thời gian từ 90 ngày trở lên phải
đăng ký tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Trong
thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định về hồ
sơ đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải
trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ
lý do.
6. Hồ sơ đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập
Hồ sơ
đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập bao gồm:
(i) Văn bản đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập;
(ii) Bản sao hợp đồng nhận lao động thực tầm kèm theo bản
dịch tiếng Việt được chứng thực;
(iii) Tài liệu chứng minh việc đưa người lao động Việt Nam
đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phù hợp với pháp luật
của nước tiếp nhận lao động;
(iv) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy
tờ chứng minh việc ký quỹ của doanh nghiệp theo quy định.
Đối với
văn bản, tài liệu (i) và (iii) sẽ do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã
hội quy định.
7. Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp Việt Nam
Doanh nghiệp
Việt Nam có quyền lợi sau đây:
- Yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại do người lao
động gây ra theo hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài;
- Khiếu nại, khởi kiện về quyết định hoặc hành vi vi phạm
pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi lạm việc ở nước ngoài theo
hợp đồng.
Doanh nghiệp
Việt Nam cần thực hiện các nghĩa vụ:
- Thông tin đầy đủ, chính xác, rõ ràng về các nội dung quy
định về hợp đồng nhận lao động thực tập;
- Ký kết hợp đồng đào tạo nghề trước khi người lao động đi
đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;
- Tổ chức để người lao động trước khi đi đào tạo, nâng cao
trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài được tham gia khóa học giáo dục định hướng
và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người lao động
xuất cảnh, doanh nghiệp phải cập nhật thông tin về người lao động trên Hệ thống
cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp
đồng;
- Tổ chức quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính
đáng của người lao động do doanh nghiệp đưa đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ
năng nghề ở nước ngoài;
- Báo cáo và phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước
ngoài để quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao
động;
- Thanh lý hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài với người lao
động;
- Bồi thường cho người lao động theo hợp đồng đã ký kết và
quy định của pháp luật về những thiệt hại do doanh nghiệp, gây ra;
- Tiếp nhận và bố trí việc làm cho người lao động phù hợp
sau thời gian đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;
- Giải quyết quyền lợi cho người lao động trong trường hợp
doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật;
- Báo cáo về tình hình thực hiện đưa người lao động đi đào
tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm
quyền quy định về đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập;
- Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và phối hợp
với cơ quan, tổ chức có liên quan của nước mà người lao động đến đào tạo, nâng
cao trình độ, kỹ năng nghề giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động;
giải quyết vấn đề phát sinh trong trường hợp người lao động chết, bị tai nạn
hoặc bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản hoặc trong
trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, suy thoái kinh
tế, tình trạng khẩn cấp hoặc vì lý do bất khả kháng khác.
Tham khảo: Dịch vụ xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước
ngoài
Trên đây là toàn bộ tư vấn của Khánh An liên quan đến Doanh
nghiệp Việt Nam muốn đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao tay nghề
ở nước ngoài. Nếu quý khách hàng còn vấn đề vướng mắc cần được tư vấn hoặc có
nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ 02466.885.821 hoặc 096.987.7894
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO là những giá trị Khánh An mang tới cho các Quý khách hàng.
Rất mong được hợp tác, đem lại cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ tốt
nhất.