Câu hỏi:
Tôi là cổ đông của sở hữu cổ phần phổ thông với tỷ lệ 30%. Bây giờ tôi muốn bán toàn bộ số cổ phần của mình cho một cá nhân khác ngoài Công ty. Vậy tôi có bị hạn chế gì trong việc bán số cổ phần đó không?
(Người gửi: Chị Hà)
1. Cơ sở pháp lý
Luật doanh nghiệp năm 2014;
2. Nội dung tư vấn
Cảm ơn Chị đã gửi câu hỏi đến chuyên mục tư vấn của Công ty tư vấn Khánh An. Với câu hỏi của Chị chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo quy định của luật doanh nghiệp, cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp bị hạn chế cổ phần sáng lập hoặc Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng. (điểm d khoản 1 Điều 110 về Công ty cổ phần và điều 126)
Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.
Như vậy, vấn đề hạn chế chuyển nhượng cổ phần chỉ áp dụng đối với cổ đông sáng lập công ty cổ phần, và thời hạn cho việc hạn chế là 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cổ đông phổ thông của công ty không thuộc đối tượng bị hạn chế trong việc chuyển nhượng cổ phần.
Vì câu hỏi của Chị chưa cụ thể nên Chúng tôi xin đưa ra 2 trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Chị không phải cổ đông sáng lập của công ty. Khi đó, chị không thuộc đối tượng bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Do vậy, chị có thể tự do chuyển nhượng số cổ phần của mình cho cá nhân khác không phân biệt cá nhân đó có thuộc công ty Chị hay không.
Trường hợp 2: Chị là cổ đông sáng lập của công ty. Trong trường hợp này cần quan tâm tới thời điểm Công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu việc chuyển nhượng diễn ra trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Chị chỉ có thể chuyển nhượng cổ phần cho cá nhân khác ngoài Công ty nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Thêm nữa, Chị cũng không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
Trên đây là nội dung tư vấn của Chúng tôi về câu hỏi của Chị, nếu có bất kỳ thắc mắc nào Chị vui lòng liên hệ với Chúng tôi để được giải đáp một cách nhanh chóng, chính xác có hiệu quả.
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO Là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894.
Email: Info@Khanhanlaw.net