Trang chủ / Đất đai / Tư vấn

Những thay đổi cơ bản của Luật Doanh nghiệp 2014

Thứ 2, 17/12/18 lúc 15:31.

Luật Doanh nghiệp năm 2014, có hiệu lực kể từ 01/07/2015, được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014. Kế thừa và phát huy các quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập của Luật cũ, góp phần tạo điều kiện mở ra một môi trường kinh doanh thuận lợi phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

KHANH AN CONSULTANT  cùng các Bạn điểm qua những thay đổi cơ bản nhất của Luật Doanh nghiệp 2014

1. Bãi bỏ nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tách riêng thủ tục thành lập doanh nghiệp với thủ tục về đầu tư dự án theo Luật Đầu tư. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam đều phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau đó sẽ thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.  

2. Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh không bắt buộc ghi ngành nghề kinh doanh

Nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ còn 4 nội dung chính, quy định tại Điều 29 Luật Doanh nghiệp năm 2014:

” Điều 29. Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

1. Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.

2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.

3. Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.

4. Vốn điều lệ.”

Thay đổi này mang đến sự linh hoạt và dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp. Khi thay đổi ngành, nghề kinh doanh; thay đổi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp chỉ phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh để được bổ sung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mà không phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới, như vậy doanh nghiệp sẽ không mất thời gian và thủ tục để chờ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Mô hình quản trị Công ty Cổ phần.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 linh hoạt lựa chọn 2 mô hình quản trị của Công ty Cổ phần. Quy định tại Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2014:

” Điều 134. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần

1. Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác:

a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.

2. Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty; trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty. “

4. Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH, Công ty Cổ phần.

Luật Doanh nghiệp 2005 quy định chỉ có một người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nay Luật Doanh nghiệp 2014 mở rộng và linh hoạt hơn khi quy định:

” Điều 13. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. “

Theo đó một công ty có thể có một hay nhiều người đại diện theo pháp luật. Thêm vào đó, Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

5. Con dấu của Doanh nghiệp

Trước đây việc cấp, sử dụng con dấu của doanh nghiệp do Bộ Công an quy định thì nay doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu doanh nghiệp. Và trước khi sử dụng con dấu, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với Cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, quy định tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014:

” Điều 44. Con dấu của doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây:

a) Tên doanh nghiệp;

b) Mã số doanh nghiệp.

2. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

3. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.

4. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. “

Thay vì phải đăng ký với cơ quan Công an, Doanh nghiệp chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Quy định này giúp doanh nghiệp đỡ phiền hà, tốn kém về chi phí, thời gian

6. Doanh nghiệp nhà nước

Quy định mới hoàn toàn về Doanh nghiệp nhà nước so với trước đây, thay vì quy định Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Luật cũng sửa đổi một số nội dung mới về việc xác định rõ ràng hơn địa vị pháp lý tập đoàn kinh tế, bổ sung quy định rõ hơn về hình thức công ty mẹ – công ty con và các hoạt động liên quan giữa công ty mẹ – công ty con.

Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi một số nội dung liên quan đến việc bãi bỏ quy định hạn chế sáp nhập, hợp nhất, chia, tách công ty đối với công ty cùng loại hình tổ chức. Cho phép các công ty có cùng bản chất sở hữu có thể hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, quy định rõ hơn và hợp lý hơn trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp; thống nhất một đầu mối và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế và công an trong giải quyết thủ tục giải thể doanh nghiệp.

Trên đây là nội dung thông tin về những thay đổi cơ bản nhất của Luật Doanh nghiệp năm 2014, hi vọng có thể giúp ích cho các bạn trong việc tiếp cận hiệu quả các quy định của Luật.

UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO Là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.

Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894.

Email: Info@Khanhanlaw.net



Bài viết trước đó
Bài viết tiếp theo
QUÝ KHÁCH CẦN TƯ VẤN
Công ty TNHH Tư Vấn Khánh An
A: Toà nhà 88 Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội
Chat Zalo Chat Facebook Hotline: 096.987.7894