Câu hỏi:
Tôi có một thắc mắc muốn hỏi: Bố chồng tôi có một căn nhà nhỏ 30 m2 , tháng trước ông mất không để lại di chúc gì. Và trước đây mấy ngày Tòa án có gọi điện cho chồng tôi mời ra tòa xử vụ căn nhà thế chấp. Thật ra chúng tôi không hay biết gì về việc thế chấp cả, chỉ nghe cán bộ văn thư Tòa án nói sơ qua. Vì thế cho tôi hỏi gia đình tôi có phải gánh chịu khoản nợ do bố chồng tôi vay hay không?
Nội dung tư vấn:
Cảm ơn Bạn đã gửi câu hỏi đến chuyên mục tư vấn của Công ty tư vấn Khánh An. Đối với câu hỏi của Bạn chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lí
– Bộ luật dân sự năm 2015.
2. Giải đáp thắc mắc
a. Thế chấp tài sản
Theo quy định tại BLDS thì thế chấp tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Khoản 1 Điều 317 quy định “Thế chấp tài sản là việc một bên (gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (gọi là bên nhận thế chấp)”.
Thế chấp tài sản chấm dứt trong trường hợp quy định tại Điều 327 BLDS sau đây:
– Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt.
– Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
– Tài sản thế chấp đã được xử lý.
– Theo thỏa thuận của các bên.
b. Thế chấp tài sản tại ngân hàng
Theo quy định tại Điều 318 BLDS về tài sản thế chấp: “Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Trường hợp của gia đình bạn có thể bố chồng bạn đã thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời thế chấp cả căn nhà gắn liền trên đất.
Theo Điều 614 BLDS quy định về thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế thì “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”; thời điểm mở thừa kế được xác định là thời điểm người có tài sản chết. Bên cạnh đó, Điều 615 BLDS quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:
“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”
Trong trường hợp của gia đình bạn, khi bố chồng bạn mất đã phát sinh việc thừa kế. Chồng bạn – tức con của bố chồng bạn, thuộc hàng thừa kế thứ nhất, được hưởng những di sản mà bố chồng bạn để lại, việc phát sinh quyền thừa kế cũng đồng nghĩa với nghĩa vụ phát sinh. Do đó, chồng bạn cùng những người thuộc diện hưởng di sản có trách nhiệm đối với khoản tiền vay mà bố chồng bạn để lại trong phạm vi di sản do bố chồng bạn để lại.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của Bạn. Nếu có bất kỳ vấn đề thắc mắc hay cần tư vấn hỗ trợ, Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Công ty Tư vấn Khánh An chúng tôi để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ thực hiện một cách nhanh gọn và hiệu quả.