Trong quá trình hội nhập, xu thế mở rông hợp tác, kinh doanh trong mạng lưới toàn cầu là điều tất yếu, và lĩnh vực pháp lý cũng không phải ngoại lệ. Sự xuất hiện của các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến. Theo đó, pháp luật cũng không ngừng thay đổi để điều chỉnh những quan hệ xã hội mới phát sinh. Luật Luật sư sau khi được sửa đổi và hợp nhất trong Văn bản hợp nhất Luật Luật sư số 03/VBHN-VPQH về vấn đề hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Cơ sở pháp lý
- Luật Luật sư năm 2006;
- Luật Luật sư sửa đổi năm 2012;
- Văn bản hợp nhất Luật Luật sư số 03/VBHN-VPQH;
- Nghị định số 123/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư.
Nội dung tư vấn
1. Điều kiện hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài
Tại Điều 68 Văn bản hợp nhất Luật Luật sư số 03/VBHN-VPQH có quy định về điều kiện hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Cụ thể:
"Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đã được thành lập và đang hành nghề luật sư hợp pháp tại nước ngoài được phép hành nghề tại Việt Nam theo quy định của Luật này khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Cam kết và bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
2. Cam kết và bảo đảm có ít nhất hai luật sư nước ngoài, kể cả Trưởng chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài có mặt và hành nghề tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong khoảng thời gian liên tục mười hai tháng;
3. Trưởng chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài tại Việt Nam phải có ít nhất hai năm liên tục hành nghề luật sư.”
Theo đó, khi hành nghề tại Việt Nam, tổ chức hành nghề luất sư nước ngoài ngoài điều kiện tiên quyết là phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam còn phải đáp ứng đủ điều kiện về số lượng luật sư nước ngoài làm việc liên tục tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong khoảng thời gian liên tục 12 tháng và thời gian hành nghề luật sư của Trưởng chi nhánh, Giám đốc công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.
2. Hình thức hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài
Theo quy định tại Điều 69 Văn bản hợp nhất Luật Luật sư số 03/VBHN-VPQH, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:
- Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài (sau đây gọi là chi nhánh);
- Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh, công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam (sau đây gọi chung là công ty luật nước ngoài).
Chi nhánh, công ty luật nước ngoài được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Phạm vi hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài
Về vấn đề này, điều 70 Văn bản hợp nhất Luật Luật sư số 03/VBHN-VPQH quy định như sau:
"Chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, không được cử luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam hoặc thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam, được cử luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tư vấn pháp luật Việt Nam.”
Nhằm cụ thể hóa quy định này, Điều 31 Nghị định nêu rõ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam (bao gồm cả luật sư Việt Nam làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam) không được:
- Chứng thực bản sao, bản dịch giấy tờ do cơ quan nhà nước, tổ chức của Việt Nam cấp;
- Thực hiện các thủ tục về nuôi con nuôi, kết hôn, hộ tịch, quốc tịch Việt Nam;
- Thực hiện dịch vụ công chứng, thừa phát lại và các dịch vụ pháp lý khác mà theo quy định của pháp luật Việt Nam chỉ có tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, tổ chức hành nghề công chứng Việt Nam, tổ chức hành nghề thừa phát lại Việt Nam mới được thực hiện.
Có thể thấy, phạm vi hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam có những quy định hạn chế hơn so với các tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam, cụ thể là trong việc cử thành viên trong tổ chức hành nghề của mình (kể cả luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam) tham gia hoạt động tố tụng trước Tòa án Việt Nam với tư cách nzgười đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam.
Trên đây là nội dung tư vấn của Chúng tôi. Nếu có bất kỳ vấn đề thắc mắc hay cần tư vấn hỗ trợ, Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Công ty Tư vấn Khánh An chúng tôi để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ thực hiện một cách nhanh gọn và hiệu quả.
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO Là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894.
Email: Info@Khanhanlaw.net