Câu hỏi:
Tôi có một câu hỏi muốn nhờ tư vấn: 2 vợ chồng tôi kết hôn được 6 năm, từ khi lấy nhau vợ tôi chủ yếu ở nhà để chăm con và làm nội trợ, trong gia đình thì tôi làm kinh tế là chính. Do tính chất công việc thỉnh thoảng tôi phải đi xa nhà mà vợ tôi có tính hay ghen nên suốt ngày nghi ngờ và nghĩ không tốt về tôi,… Cho nên tôi muốn li hôn với vợ tôi và tôi muốn được giành quyền nuôi hết các con. Tôi có 2 đứa con, một đứa đang học lớp 2 và một đứa được 30 tháng tuổi. Không biết là tôi có giành được quyền nuôi hết cả 2 đứa không?
Nội dung tư vấn:
Cảm ơn Bạn đã gửi câu hỏi đến chuyên mục tư vấn của Công ty tư vấn Khánh An. Với câu hỏi của Bạn chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lí
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
2. Giải đáp thắc mắc
Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn :
"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Như vậy trong trường hợp của Bạn nếu Bạn muốn giành quyền nuôi cả hai con Bạn cần phải làm rõ những vấn đề sau:
– Đối với con cả, theo thông tin bạn cung cấp thì Bạn chỉ nói bé học lớp 2 mà không nói rõ tuổi hiện tại của bé. Nên chúng tôi sẽ đặt ra 2 giả thiết như sau:
+ Nếu con chưa đủ 7 tuổi thì Bạn và vợ 2 bên sẽ thỏa thuận với nhau về việc nuôi con, nếu 2 bên mà không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con
+ Nếu con đã đủ 7 tuổi rồi thì Bạn sẽ hỏi và xem xét nguyện vọng của con.
– Đối với con thứ hai mới được 30 tháng tuổi của Bạn, theo quy định của pháp luật thì con sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Tuy nhiên Bạn vẫn có thể giành được quyền nuôi dưỡng nếu Bạn chứng minh được vợ Bạn không có đủ điều kiện để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Hoặc Bạn cũng có thể thỏa thuận với vợ Bạn về việc thay đổi trực tiếp người nuôi con để phù hợp với lợi ích của con theo quy định Khoản 1, Khoản 2 Điều 84:
"Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về nội dung câu hỏi của Bạn. Nếu có bất kì vấn đề thắc mắc nào, Bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi để có thể giải quyết một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời.
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO Là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số
Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894.
Email: Info@Khanhanlaw.net.