Câu hỏi:
Cho em hỏi chút: Bố em có làm việc tại một công ty K từ năm 2009 với công việc là Kỹ thuật viên vô tuyến điện, 2 bên có ký với nhau một hợp đồng lao động (HĐLĐ) 2 năm . Sau khi hết thời hạn hợp đồng 2 bên có tiến hành gia hạn thêm 2 năm nữa. Hết thời gian đã gia hạn, mặc dù không ký tiếp HĐLĐ nhưng bố em vẫn tiếp tục làm việc cho công ty này. Tuy nhiên 2/2016 ông có bị tai nạn lao động phải nằm điều trị 6 tháng và được xác định là suy giảm 35% khả năng lao động. Sau khi ra viện bố em có nhận được quyết định chấm dứt HĐLĐ của công ty với lý do: Ông bị tai nạn điều trị trong 6 tháng liên tục tục nên công ty chấm dứt HĐLĐ với ông theo điểm b khoản 1 điều 38 Luật lao động 2012, thứ hai ông bị suy giảm khả năng lao động nên không thể tiếp tục làm công việc đó nữa.
Cho em hỏi việc công ty K chấm dứt HĐLĐ với bố em liệu có đúng pháp luật hay không?
Người gửi: Tuấn Quang ( Quảng Bình )
Nội dung tư vấn
Cảm ơn Bạn đã gửi câu hỏi đến chuyên mục tư vấn luật của Công ty tư vấn Khánh an. Với câu hỏi của Bạn chúng tôi xin đưa ra quan điểm như sau:
1. Căn cứ pháp lí
– Luật lao động năm 2012.
2. Giải đáp thắc mắc
– Trước hết cần phải xác định hợp đồng lao động mà bố Bạn và công ty K ký kết đến hiện tại là loại hợp đồng gì?
Đối với trường hợp này, bố của Bạn kí với công ty K HĐLĐ đầu tiên từ năm 2009 là HĐLĐ xác định thời hạn (2 năm) . Hợp đồng đầu tiên này là hợp đồng lao động xác định thời hạn. Sau khi hết thời hạn hợp đồng, hai bên lại tiến hành gia hạn hợp đồng thêm 2 năm nữa. Hết thời hạn đã gia hạn, mặc dù hai bên không ký HĐLĐ nhưng bố Bạn vẫn tiếp tục làm việc cho công ty K. Đến năm 2016 thì bố Bạn xảy ra tai nạn. Như vậy, sau khi kết thúc thời gian làm việc theo lần gia hạn hợp đồng vào năm 2013, bố Bạn vẫn tiếp tục làm việc cho công ty K đến năm 2016, vượt qua thời hạn 30 ngày. Theo nguyên tắc, bố Bạn và công ty K cần kí kết HĐLĐ mới nhưng hai bên không kí nên HĐLĐ thứ 2 đã giao kết từ năm 2011 trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn.căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 22 BLLĐ:
“2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn 24tháng.”
Do đó có thể kết luận rằng hợp đồng lao động giữa hai bên giao kết cho đến hiện tại là hợp đồng không xác định thời hạn.
– Thứ hai, về vấn đề tai nạn lao động
2/2016, bố Bạn bị tai nạn lao động phải vào viện điều trị 6 tháng liên tục và được xác định suy giảm 35% khả năng lao động. Theo nhận định công ty K thì với khả năng suy giảm là 35% thì ông không thể tiếp tục làm công việc đó được. Như vậy, theo Điểm b, Khoản 1, Điều 38 BLLĐ quy định về Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động:
“b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.”
Như vậy, với điều luật trên, chỉ khi bố Bạn điều trị 12 tháng mà khả năng lao động vẫn xác định là chưa hồi phục thì công ty K mới có quyền chấm dứt hợp đồng lao động với bố của Bạn. Đồng thời công ty K đã vi phạm nghĩa vụ phải báo trước cho người lao động. Theo điểm a khoản 2 Điều 38 BLLĐ, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước: “ ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn”.
Với tỉ lệ suy giảm 35% khả năng lao động sau khi điều trị 6 tháng, theo nhận định của công ty K, ông không thể tiếp tục hoàn thành công việc này được nữa thì công ty K sẽ có các cách giải quyết như sau:
+ Phương án 1: Công ty K thương lượng với bố Bạn về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo thỏa thuận. Nếu bố Bạn không đồng ý, công ty K chuyển phương án 2
+ Phương án 2: Công ty K thỏa thuận sửa đổi hợp đồng với bố Bạn:
Do bố Bạn không đủ sức khỏe để làm công việc như trong hợp đồng đã ký kết nên công ty K sẽ điều chuyển ông đến một vị trí công việc khác phù hợp với tình hình sức khỏe hiện tại của ông. Cụ thể quy định tại khoản 1, Điều 31, BLLĐ:
“1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.”
Nếu bố Bạn không đồng ý, công ty K chuyển phương án 3
+ Phương án 3: Công ty K tiếp tục cho bố Bạn làm công việc cũ
Nếu bố Bạn không đồng ý làm công việc mới mà vẫn muốn tiếp tục làm công việc cũ như trong hợp đồng. Với công việc là kỹ thuật viên vô tuyến điện của công ty K thì đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe tương đối tốt thì mới có thể hoàn thành công việc với thời gian dài và ổn định. Tuy nhiên, chưa có điều luật nào quy định về việc nếu suy giảm khả năng lao động đến ngưỡng không thể tiếp tục làm công việc cũ thì người sử dụng lao động được hưởng những quyền gì đối với người lao động?
→ Từ những lí do trên có thể kết luận rằng việc công ty K chấm dứt HĐLĐ với bố Bạn là không có căn cứ pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của Bạn, hi vọng sẽ phần nào giải đáp được thắc mắc của Bạn.Nếu có bất kỳ vấn đề thắc mắc hay cần tư vấn hỗ trợ, Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Công ty Tư vấn Khánh An chúng tôi để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ thực hiện một cách nhanh gọn và hiệu quả.
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO Là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894.
Email: Info@Khanhanlaw.net