Câu hỏi:
Xin chào, tôi muốn hỏi chút: Bố tôi là chuyên viên phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện X. 4/2017, UBND huyện có phát hiện thấy Bố tôi có hành vi lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của mình gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan nên đã tiến hành tổ chức họp kiểm điểm. 5/2017, bố tôi nhận được quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Trong đó UBND huyện đưa ra những lí do để xử lí như sau:
1) Ông Tuân thực hiện việc đánh cá bằng chất nổ trong lòng hồ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép làm ảnh hưởng môi trường nước
2) Ông Tuân không giáo dục vợ, đã để vợ là bà Phạm Thị Lan có mở điểm karaoke mà chưa làm đầy đủ các thủ tục đăng ký. Việc làm sai trái của bà Lan đã bị UBND huyện lập biên bản, sau đó xử phạt hành chính 6 triệu đồng
3) Ông Tuân lợi dụng quyền khiếu nại, tài chính của công dân gửi đơn đi nhiều nơi, nhiều cơ quan gây ảnh hưởng uy tín của cơ quan ( UBND huyện )
4) Ông Tuân bảo thủ , không tiếp thu những khuyết điểm do bản thân mình gây ra, không còn đủ uy tín để làm nhiệm vụ trong cơ quan nhà nước
Tôi muốn hỏi là quyết định buộc thôi việc của UBND huyện đối với bố tôi liệu có đúng và bố tôi có thể làm gì để bảo vệ được quyền lợi của mình ?
Nội dung tư vấn:
Cảm ơn Bạn đã gửi câu hỏi đến chuyên mục tư vấn của Công ty tư vấn Khánh An. Với câu hỏi của Bạn chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lí
– Luật cán bộ, công chức năm 2008;
– Luật khiếu nại năm 2011;
– Nghị định số 06/2010/NĐ – CP quy định những người là công chức;
– Nghị định 34/2011/NĐ – CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức.
2. Giải đáp thắc mắc
a. Quyết định buộc thôi việc của UBND huyện
Trong trường hợp này của Bạn có thể xác định rằng bố của Bạn ( ông Tuân ) là một công chức. Theo quy định tại Điều 79 Luật Cán bộ, công chức 2008 “ Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo: c) Hạ bậc lương; d) Giáng chức; đ) Cách chức; e) Buộc thôi việc”.
Bố của Bạn tuy là công chức nhưng không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nên sẽ áp dụng theo Khoản 1 Điều 8 Nghị định 34/2011/NĐ-CP gồm các biện pháp : khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc . Ở đây UBND huyện Văn Giang ra Quyết định buộc thôi việc với bố Bạn xét thấy là không thỏa đáng.
Thêm vào đó trong Quyết định kỷ luật số 66/2017/QĐ-UBND mà bố Bạn nhận được, UBND huyện đã đưa ra các lý do trong đó có lý do ông Tuân không giáo dục vợ đã để cho vợ mở quán karaoke mà chưa làm đầy đủ các thủ tục đăng ký. Đây là một lý do không thỏa đáng nói thật ra là không liên quan gì. Hơn nữa việc bố của Bạn đánh cá bằng chất nổ gây ảnh hưởng đến môi trường không nằm trong các hành vi để bị xử lý kỷ luật, mà bố Bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này .
Về thủ tục, theo quy định Nghị định 34/2011/NĐ-CP, cụ thể từ Điều 16 – Điều 20 thì thủ tục để xử lý công chức về cơ bản phải tiến hành theo các bước sau: thứ nhất, tổ chức họp kiểm điểm công chức có hành vi vi phạm; thứ hai, tổ chức họp hội đồng kỷ luật; thứ ba, ra quyết định kỷ luật. Ở trong tình huống này việc UBND huyện X ra luôn quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Tuân vào 5/2017 mà không thông qua việc họp hội đồng kỷ luật . Như vậy ở đây UBND huyện đã thực hiện sai trình tự thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức.
Qua đây có thể khẳng định rằng quyết định kỷ luật buộc thôi việc của UBND huyện X đối với bố của Bạn là Quyết định không hợp pháp do sai về trình tự thủ tục, nội dung ra quyết định và sai cả về hình thức kỷ luật.
b. Các phương thức để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của công chức khi bị xử lý kỷ luật
Trong trường hợp này, bố của Bạn là công chức cho rằng quyết định kỷ luật buộc thôi việc của UBND huyện là sai trái, xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì ông phải khiếu nại tới người đã ra quyết định trong thời hạn theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo. Nếu sau khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, ông vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại thì ông có thể lựa chọn một trong hai cách sau để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình:
Cách 1: Bố Bạn có thể gửi đơn khiếu nại tới người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo. Thẩm quyền giải quyết Khiếu nại đối với quyết định xử lý kỷ luật của cán bộ, công chức thực hiện theo quy định tại Điều 51 Luật khiếu nại năm 2011. Nghĩa là, UBND huyện X đã ra quyết định kỷ luật bố Bạn thì sẽ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu cho ông. Trong trường hợp bố Bạn khiếu nại tiếp thì người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của UBND huyện X ( UBND Tỉnh) sẽ giải quyết khiếu nại cho ông .
Cách 2: Bố Bạn có quyền gửi đơn khởi kiện vụ án hành chính tới Tòa án nơi có trụ sở của phòng tư pháp huyện để yêu cầu giải quyết vụ án hành chính. Đây là cách duy nhất để ông có thể bảo vệ quyền lợi của mình theo thủ tục tố tụng Tòa án.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của Bạn, hi vọng sẽ phần nào giải đáp được thắc mắc của Bạn
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO Là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894.
Email: Info@Khanhanlaw.net