Câu hỏi:
Tôi muốn hỏi về đóng bảo hiểm xã hội như thế nào khi làm việc cùng lúc ở hai công ty. Tôi đang tham gia BHXH tại công ty A, hiện nay tôi có làm thêm cho một doanh nghiệp B khác. Ở doanh nghiệp B này họ bắt buộc mình phải tham gia BHXH. Vậy theo luật bảo hiểm xã hội tôi có cắt giảm BHXH của tôi bên công ty thứ nhất của tôi được không? Tôi xin cảm ơn?
Người gửi: Anh Hoàng
Nội dung tư vấn:
Cảm ơn Anh đã gửi câu hỏi tới Phòng tư vấn pháp luật của Công ty tư vấn Khánh An. Về câu hỏi của Anh, chúng tôi xin tư vấn và giải đáp vấn đề của Anh như sau:
1. Cơ sở pháp lý.
– Bộ luật lao động 2012;
– Nghị định số 44/2013 Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động;
– Quyết định 959/QĐ – BHXH Ban hành quy định về quản lý thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Quản lý sổ bảo hiểm xã hội, Thẻ Bảo hiểm y tế,
2. Giải đáp thắc mắc.
Thứ nhất, về tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp:
Theo điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 44/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động:
"1. Trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động.
a) Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động; mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
b)Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.”
Như vậy: Khi người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động sẽ tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng được giao kết đầu tiên. Từ quy định trên dẫn chiếu đến trường hợp của bạn thì công ty thứ hai yêu cầu bạn đóng BHXH là không đúng quy định bạn sẽ chỉ phải tham gia BHXH và bảo hiểm thất nghiệp tại công ty thứ nhất theo quy định của pháp luật hiện hành. Công ty thứ hai có trách nhiêm chi trả cùng kỳ trả lượng một khoản tiền tương đương mức đóng BHXH, BHTN cho bạn.
Lưu ý:Theo Khoản 2 Điều 43 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 thì trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp (thuộc chế độ của bảo hiểm xã hội) theo từng hợp đồng lao động đã giao kết.
Do đó trong trường hợp làm việc cùng lúc ở 2 công ty; hai công ty nơi bạn đang làm việc cùng có trách nhiệm đóng bảo hiểm tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp cho bạn.
Thứ hai, về tham gia bảo hiểm y tế:
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị định 44/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động:
"2. Trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc của người sử dụng lao động và người lao động:
a) Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc; thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
b)Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.”
Bên cạnh đó; căn cứ điểm 1.2 khoản 1 Điều 38 Quyết định 959/QĐ – BHXH:
"Người lao động đồng thời có từ 02 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau; thì đóng BHXH, BHTN theo HĐLĐ giao kết đầu tiên; đóng BHYT theo HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất”
Như vậy theo các quy định nêu trên thì người lao động và người sử dụng lao động sẽ đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng có mức tiền lương cao nhất.
Do bạn không cung cấp thông tin tiền lương cụ thể ở từng công ty; cho nên trong trường hợp này công ty nào bạn có mức tiền lương cao hơn thì bạn sẽ tham gia BHYT ở công ty đó; và công ty còn lại sẽ phải chi trả tiền tham gia BHYT cùng với lương của bạn. Đối với trường hợp người lao động làm việc cùng lúc ở 2 công ty thì sẽ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp ở hợp đồng lao động đầu tiên; tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc ở hợp đồng lao động có mức lương cao nhất. Cả hai công ty đều có trách nhiệm đóng bảo hiểm vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trên đây là một số vấn đề pháp lý, Công ty tư vấn Khánh An tư vấn giúp bạn về việc nộp bảo hiểm xã hội như thế nào khi làm việc cùng lúc ở hai công ty khác nhau.
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894
Email: Info@Khanhanlaw.net
Hoặc để lại thông tin trên Website, Chúng tôi sẽ liên hệ lại cho Bạn.