Câu hỏi:
Tôi muốn hỏi hiện tại nơi tôi ở chỉ có 1 văn phòng công chứng, tôi muốn hợp tác cùng một công chứng viên (hoặc luật sư đủ điều kiện mở văn phòng công chứng), vậy điều kiện và thủ tục để được mở văn phòng công chứng là cần những gì? Mong A/C luật sư tư vấn tôi xin cảm ơn.
Người gửi: Chị Diệp (Hà Nội).
Nội dung tư vấn:
Cảm ơn Chị Diệp đã gửi câu hỏi đến chuyên mục Tư vấn luật của Công ty Tư vấn Khánh An.
Việc sử dụng dịch vụ công chứng đang ngày càng trở nên quen thuộc và phổ biến trong người dân. Vì thế Phòng Công chứng và Văn phòng công chứng được thành lập ngày càng nhiều. Trong bài viết này Chúng tôi xin tư vấn cho Chị Diệp và tất cả các Quý Khách hàng quan tâm về điều kiện và thủ tục thành lập Văn phòng công chứng cụ thể như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Luật công chứng năm 2014,
2. Điều kiện mở Văn phòng công chứng
Văn phòng công chứng là Tổ chức hành nghề Công chứng được thành lập theo Luật Công chứng và phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo quy định tại Điều 22 của Luật Công chứng 2014:
– Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.
– Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Không có thành viên góp vốn.
– Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng văn phòng công chứng. Phải đáp ứng điều kiện sau:
+ Là công chứng viên hợp danh của văn phòng công chứng;
+ Đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.
– Tên gọi của văn phòng công chứng: Do các Công chứng viên hợp danh của văn phòng thỏa thuận. Nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Tên bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng;
+ Không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác;
+ Không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
– Trụ sở của Văn phòng công chứng:
+ Có địa chỉ cụ thể, có nơi làm việc cho công chứng viên và người lao động với diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, có nơi tiếp người yêu cầu công chứng và nơi lưu trữ hồ sơ công chứng;
+ Công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng nộp các giấy tờ chứng minh về trụ sở của Văn phòng công chứng tại thời điểm đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng.
+ Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện về trụ sở của Văn phòng công chứng khi thực hiện đăng ký hoạt động cho Văn phòng công chứng.
Như vậy, để thành lập văn phòng công chứng, điều kiện đầu tiên phải có ít nhất 02 Công chứng viên trở lên. Điều kiện để trở thành công chứng viên được quy định tại Luật Công chứng năm 2014. Chị cũng có thể tham khảo tư vấn chi tiết tại bài viết Làm thế nào để trở thành một công chứng viên của chúng tôi.
3. Thủ tục thành lập văn phòng công chứng
Các công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng phải có hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
– Hồ sơ đề nghị gồm có:
+ Đơn đề nghị thành lập;
+ Đề án thành lập Văn phòng công chứng: nêu rõ sự cần thiết thành lập, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện;
+ Bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên tham gia thành lập Văn phòng công chứng.
– Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;
– Đăng ký hoạt động:
+ Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, Văn phòng công chứng phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đã ra quyết định cho phép thành lập;
+ Nội dung đăng ký hoạt động gồm: tên gọi của Văn phòng công chứng, họ tên Trưởng Văn phòng công chứng, địa chỉ trụ sở của Văn phòng công chứng, danh sách công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và danh sách công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng của Văn phòng công chứng (nếu có);
+ Hồ sơ đăng ký gồm: đơn đăng ký hoạt động, giấy tờ chứng minh về trụ sở của Văn phòng công chứng phù hợp với nội dung đã nêu trong đề án thành lập và hồ sơ đăng ký hành nghề của các công chứng viên hợp danh, công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng (nếu có);
+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;
+ Văn phòng công chứng được hoạt động công chứng kể từ ngày Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động.
Trên đây là nội dung tư vấn của Chúng tôi về điều kiện và thủ tục thành lập Văn phòng công chứng. Mọi vấn đề thắc mắc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Công ty Tư vấn Khánh An chúng tôi để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ thực hiện một cách nhanh gọn và hiệu quả.
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO Là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894.
Email: Info@Khanhanlaw.net