Câu hỏi:
Tôi muốn chuyển hết cổ phần sang tên vợ và trong giấy phép ĐKKD cùng đứng tên vợ luôn,tôi muốn hỏi có chuyển nhượng được không? thời gian mất bao lâu, có đóng phí và lệ phí gì không?
Xin cảm ơn
Người gửi : Dương Nhi ( Bình Dương )
Nội dung tư vấn:
Cảm ơn Bạn đã gửi câu hỏi về chuyên mục tư vấn của Công ty TNHH tư vấn Khánh An. Với câu hỏi của Bạn, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lý
- Luật doanh nghiệp năm 2014;
- Nghị định 78/2015/NĐ – CP quy định về đăng ký doanh nghiệp;
- Thông tư 130/2017/TT- BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành.
2.Giải đáp thắc mắc
Dựa trên những thông tin bạn cung cấp, hiện nay người đại diện theo pháp luật của công ty bạn chính là bạn, đang muốn chuyển nhượng hết cổ phần sang tên của vợ mình, và để cho vợ cùng đứng tên trong Giấy phép đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp). Có thể thấy, trong thông tin bạn cung cấp chỉ xác định về việc chuyển nhượng cổ phần, nhưng bạn không nói rõ, công ty bạn thuộc loại hình công ty gì: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hay doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên căn cứ theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014, thì khái niệm cổ phần chỉ được xác định là khái niệm áp dụng để định nghĩa phần vốn trong công ty cổ phần. Bởi căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 110 Luật doanh nghiệp năm 2014 thì vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.
Do vậy, dựa trên thông tin bạn cung cấp, có thể khẳng định, vấn đề của bạn là về việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần, và việc thay đổi người đứng tên trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Về vấn đề này, cần xem xét các phương diện sau:
2.1 Chuyển hết cổ phần của bạn trong công ty cổ phần sang vợ của bạn.
Dựa trên thông tin bạn có cổ phần trong công ty cổ phần, nên căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2014, bạn được xác định là cổ đông của công ty. Tuy nhiên, bạn lại không nói rõ, bạn có phải là cổ đông sáng lập hay không? Bạn được xác định là cổ đông sáng lập khi là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2014.
Về việc cổ đông muốn chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần, tại khoản 1 Điều 110 Luật doanh nghiệp năm 2014 có quy định:
Điều 110. Công ty cổ phần
1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này…
Trong đó, khoản 3 Điều 119 Luật doanh nghiệp năm 2014 có quy định:
Điều 119. Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập
…3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.
Khoản 1 Điều 126 Luật doanh nghiệp năm 2014 cũng có quy định:
Điều 126. Chuyển nhượng cổ phần
1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng…
Căn cứ theo quy định tại Điều 110, khoản 3 Điều 119, khoản 1 Điều 126 Luật doanh nghiệp năm 2014 được trích dẫn ở trên thì khi bạn là cổ đông của công ty thì bạn được quyền tự do chuyển nhượng cổ phần cho vợ của mình, trừ trường hợp:
– Điều lệ của công ty bạn có quy định hạn chế việc chuyển nhượng cổ phần, và quy định này được ghi rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
– Trường hợp bạn là cổ đông sáng lập thì trong thời gian 03 năm đầu, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bạn sẽ được tự do chuyển nhượng cổ phần cho vợ của mình nếu vợ của bạn cũng là một trong những cổ đông sáng lập nên công ty cổ phần này.
Nếu vợ bạn không phải là cổ đông sáng lập thì bạn chỉ được chuyển nhượng cổ phần của mình cho vợ nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, bạn sẽ không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng của các cổ phần này.
Sau thời gian 03 năm đầu, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì bạn – một trong những cổ đông sáng lập sẽ không bị hạn chế về việc chuyển nhượng cổ phần phổ thông.
Như vậy, trong thông tin bạn không nói rõ bạn có phải là cổ đông sáng lập của công ty hay không, vợ của bạn có phải là cổ đông sáng lập không, điều lệ công ty cổ phần mà bạn là cổ đông có quy định nào về việc hạn chế việc chuyển nhượng cổ phần hay không, do vậy, để xác định việc bạn có thể chuyển nhượng cổ phần cho vợ mình hay không, bạn cần căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định. Bạn sẽ được tự do chuyển nhượng cổ phần cho vợ mình nếu không thuộc trường hợp điều lệ công ty có quy định hạn chế quyền chuyển nhượng theo quy định tại khoản 1 Điều 126 và trường hợp hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập theo quy định tại khoản 3 Điều 119 Luật doanh nghiệp năm 2014.
3.2. Vợ của bạn cùng đứng tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Giấy phép đăng ký kinh doanh, hay Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2014 được xác định là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời, theo quy định tại Điều 29 Luật doanh nghiệp năm 2014 thì nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gồm:
Điều 29. Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
1. Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.
2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
3. Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.
4. Vốn điều lệ.
Căn cứ theo quy định tại Điều 29 Luật doanh nghiệp năm 2014, công ty bạn là công ty cổ phần, nên người được đứng tên trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được xác định là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Do vậy, khi bạn muốn chuyển nhượng cổ phần cho vợ và để vợ cùng đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được hiểu là việc thay đổi, bổ sung người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần.
Trong trường hợp này, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật doanh nghiệp thì công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý, và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Khi có sự thay đổi, bổ sung người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần thì cần phải tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể theo quy định tại Điều 31 Luật doanh nghiệp năm 2014, Điều 43 Nghị định 78/2015/NĐ- CP thì thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần được thực hiện như sau:
Hồ sơ bên bạn cần chuẩn bị gồm các giấy tờ sau:
– Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật. Trong nội dung thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật sẽ thể hiện thông tin gồm: tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, chức danh, địa chỉ thường trú của người đang là đại diện theo pháp luật của công ty và người được bổ sung, thay thế làm đại diện theo pháp luật của công ty; họ tên và chữ ký của Chủ tịch hội đồng quản trị.
Trường hợp Chủ tịch hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật thì người ký thông báo là Chủ tịch Hội đồng quản trị mới là người được Hội đồng quản trị bầu. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty bỏ trốn khỏi nơi cư trú, bị tạm giam, bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không thể làm chủ được bản thân hoặc từ chối ký tên và thông báo của công ty phải có họ, tên và chữ ký của các thành viên Hội đồng quản trị đã tham dự và biểu quyết nhất trí về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty.
Khi nhận Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp
– Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người bổ sung, thay thế làm đại diện theo pháp luật của công ty.
– Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật làm thay đổi nội dung Điều lệ công ty;
Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật không làm thay đổi nội dung của Điều lệ công ty ngoài nội dung họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp.
Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi.
Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do; các yêu cầu sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về những thắc mắc của bạn.
Quý khách hàng có vấn đề thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894. Email: Info@Khanhanlaw.net
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO Là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Trân trọng cảm ơn các Quý khách hàng!