Pháp luật Doanh nghiệp quy định cá nhân, tổ chức đều có thể thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, luật doanh nghiệp cũng quy định một số trường hợp giới hạn đối tượng thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp. Cán bộ, công chức, viên chức là một trong những đối tượng thuộc trường hợp mà pháp luật doanh nghiệp giới hạn.
Cơ sở pháp lý
- Luật doanh nghiệp năm 2014;
- Luật cán bộ, công chức năm 2008;
- Luật Viên chức năm 2010;
- Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005.
Nội dung tư vấn
1. Quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp
Theo quy định tại Khoản 18,19 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014, các khái niệm về thành lập doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp được hiểu như sau:
"Người quản lý doanh nghiệp là người người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.”
"Người thành lập doanh nghiệp là tổ chức, cá nhân thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp”
2. Quy định pháp luật liên quan giới hạn quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức
Pháp luật doanh nghiệp quy định các tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp. Tuy nhiên, do đặc thù của một số đối tượng nhất định, trong đó bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, pháp luật đã có một số quy định giới hạn quyền thành lập, góp vốn thành lập và quản lý doanh nghiệp của các đối tượng này. Theo đó, không phải mọi trường hợp, cán bộ, công chức, viên chức đều thuộc đối tượng pháp luật cho phép thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp. Cụ thể:
Khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp năm 2018 quy định các trường hợp không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó bao gồm:
"b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức”
Khoản 3 Điều 18 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định cán bộ, công chức có quyền góp vốn, mua cổ phần mua phần vốn góp vào doanh nghiệp, trừ các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp thoe quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Các đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức bao gồm:
Điều 20 Luật cán bộ, công chức năm 2008 quy định những việc cán bộ, công chức không được làm bao gồm: Những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thêm đó, quy định Khoản 3 Điều 14 Luật Viên chức năm 2010 về quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian không cho phép viên chức tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp nhưng vẫn có thể góp vốn.
"Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.”
Điều 37 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm, trong đó nội dung liên quan đến việc thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, góp vốn vào doanh nghiệp, cụ thể:
"1. Cán bộ, công chức, viên chức không được làm những việc sau đây:
…
b) Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
…
2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
…
4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.
5. Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.
3. Kết luận
Trên cơ sở những căn cứ pháp lý và phân tích nêu trên, cán bộ, công chức, viên chức không thể tham gia thành lập, tham gia quản lý và điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, pháp luật cho phép cán bộ, công chức, viên chức tham gia vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dưới các hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh.
Cụ thể, đối với từng loại hình doanh nghiệp, cán bộ, công chức viên chức có thể góp vốn với các tư cách sau:
Công ty cổ phần: tham gia với tư cách là cổ đông góp vốn mà không được tham gia với tư cách là thành viên hội đồng quản trị hay ban kiểm soát.
Công ty trách nhiệm hữu hạn: không thể tham gia góp vốn.
Công ty hợp danh: tham gia với tư cách là thành viên góp vốn mà không được tham gia với tư cách là thành viên hợp danh.
Trên đây là nội dung tư vấn về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Chúng tôi xin gửi đến Quý khách hàng. Nếu có bất kỳ vấn đề thắc mắc hay cần tư vấn hỗ trợ, Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Công ty Tư vấn Khánh An chúng tôi để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ thực hiện một cách nhanh gọn và hiệu quả.
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO Là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894.
Email: Info@Khanhanlaw.net