Xuất nhập khẩu là một trong những lĩnh vực kinh doanh đang được quan tâm nhằm giúp lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, xuất nhập khẩu không phải là ngành nghề đăng ký kinh doanh mà đó là quyền mặc định của doanh nghiệp, nghĩa là doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nào thì được quyền xuất khẩu mặt hàng đó. Do đó, không thể đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu với tư cách là một ngành nghề trong hệ thống ngành kinh tế. Sau đây, Công ty Tư vấn Khánh An gửi đến khách hàng một số quy định pháp luật liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu
Cơ sở pháp lý
- Luật Doanh nghiệp năm 2014;
- Luật Thương mại năm 2005;
- Nghị định số 187/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
- Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT Hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
Nội dung tư vấn
1. Hiểu thế nào về hoạt động xuất nhập khẩu?
Tại điều 28 Luật Thương mại năm 2005 có quy định về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa như sau:
"1. Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.
2. Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.”
2. Thành lập doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu
Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014 ghi nhận "Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu” là quyền của doanh nghiệp.
Điều 3 Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định:
"1. Đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (dưới đây gọi tắt là thương nhân):
Trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác, thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh.
Chi nhánh thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo ủy quyền của thương nhân.
2. Đối với thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam:
Các thương nhân, công ty, chi nhánh khi tiến hành hoạt động thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này, ngoài việc thực hiện các quy định tại Nghị định này, còn thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan, các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và lộ trình do Bộ Công Thương công bố.
3. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện, khi xuất khẩu, nhập khẩu, ngoài việc thực hiện quy định của Nghị định này, thương nhân phải thực hiện quy định của pháp luật về điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đó.”
Thêm nữa, căn cứ biểu mẫu kèm theo Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT, tại phần kê khai thông tin trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, hoạt động "xuất nhập khẩu” thuộc thông tin "Đăng ký thuế” chứ không thuộc thông tin về "ngành nghề kinh doanh”.
Theo đó, xuất nhập khẩu không phải ngành nghề kinh doanh nên khi tiến hành đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp không phải đăng ký ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu cụ thể.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện mới được hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, cụ thể:
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân muốn xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Thương mại hoặc các Bộ quản lý chuyên ngành.
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm các quy định liên quan về kiểm dịch động thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn, chất lượng, phải chịu sự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trước khi thông quan.
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không thuộc quy định tại điều 5 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP.
Vì vậy, khi muốn thành lập doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp ngoài việc kê khai đúng thông tin đăng ký thuế về hoạt động xuất nhập khẩu còn cần đáp ứng đủ điều kiện (theo quy định pháp luật chuyên ngành và không thuộc các trường hợp hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu) để xuất nhập khẩu hàng hóa mà mình dự định kinh doanh.
3. Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động xuất nhập
Để đăng ký ngành nghề cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, doanh nghiệp tiến hành ghi ngành nghề kinh doanh theo mã ngành kinh tế cấp 4 được ban hành kèm theo quyết định số 10/2017/QĐ-TTg. Tuy nhiên, trong hệ thống mã ngành sẽ không có phân ngành cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Bởi vậy, khi kê khai thông tin trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, cần ghi "Có” tại mục "đăng ký xuất khẩu” trong phần "Thông tin đăng ký thuế”.
Trường hợp doanh nghiệp muốn thể hiện hoạt động xuất nhập khẩu trong phần ngành nghề kinh doanh, thì có thể kê khai như sau:
Tên ngành | Mã ngành |
Hoạt động dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác còn lại chưa được phân vào đâu
Chi tiết: Xuất nhập khẩu những mặt hàng công ty kinh doanh (Căn cứ theo quy định tại Điều 28, Luật Thương mại năm 2005) |
8299 |
Trên đây là nội dung tư vấn của Chúng tôi. Nếu có bất kỳ vấn đề thắc mắc hay cần tư vấn hỗ trợ, Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Công ty Tư vấn Khánh An chúng tôi để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ thực hiện một cách nhanh gọn và hiệu quả.
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO Là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894.
Email: Info@Khanhanlaw.net