Câu hỏi:
Tôi hiện là nhân viên làm việc trong một Công ty Cổ phần B. Vừa rồi tham gia giao thông có chút quên mà không mang theo mũ bảo hiểm. Dừng đến đèn đỏ thì tôi bị một anh chặn xe giơ thẻ ngành cảnh sát giao thông và thẻ công vụ yêu cầu xử phạt vi phạm giao thông đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm của tôi. Do anh ta chỉ mặc thường phục nên tôi có chút nghi ngờ về tính đúng đắn của việc xử phạt này. Tư vấn cho tôi rõ hơn về trường hợp trên đây.
Người gửi: Anh Huy Chiến ( Hà Giang )
Nội dung tư vấn
Cảm ơn Bạn đã gửi câu hỏi đến chuyên mục tư vấn của chúng tôi. Với câu hỏi của Bạn chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Luật Công an nhân dân năm 2014;
– Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
– Thông tư số 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ quyền hạn hình thức nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.
2. Giải đáp thắc mắc
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ quyền hạn hình thức nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông:
” Điều 9. Tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang
1. Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang
a) Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;
b) Đấu tranh phòng, chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp.
2. Thẩm quyền quyết định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang
a) Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.
3. Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang
a) Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này phê duyệt. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát;
b) Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật;
Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật;
c) Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.”
Như vậy, quyền hạn của cảnh sát giao thông mặc thường phục chỉ là giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, ngăn chặn các vi phạm pháp luật trong địa bàn được phân công sau đó thông báo cho cảnh sát khác có thẩm quyền để xử lý theo quy định. Khi phát hiện hành vi phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật vì thế nên cảnh sát mặc thường phục không có thẩm quyền được dừng xe và xử lý vi phạm đối với người tham gia giao thông.
Không phải trường hợp nào lực lượng cảnh sát giao thông cũng được phép hóa trang. Việc cảnh sát giao thông được mặc thường phục chỉ được thực hiện trong một số trường hợp nhất định, có kế hoạch cụ thể và phải kết hợp với tổ tuần tra, kiểm soát công khai theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 01/2016 như trên.
Vậy trong trường hợp của bạn có thể chỉ ra 2 vấn đề như sau:
– Cảnh sát giao thông mặc thường phục đó có xuất trình thẻ ngành để người vi phạm được biết. Ở đây, cảnh sát giao thông đó đã chứng minh mình là người đang thực thi nhiệm vụ, ngoài việc xuất trình thẻ còn có cả công vụ.
– Tuy nhiên việc cảnh sát giao thông đó chặn xe và yêu cầu xử phạt hành chính là hoạt động sai thẩm quyền, hành vi đó là đang lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của người dân.
Trường hợp bạn vẫn bị ép buộc nộp phạt vi phạm hành chính, bạn có thể không hợp tác và yêu cầu được về cơ quan công an hoặc chính quyền nơi gần nhất hoặc kiến nghị lên người đứng đầu đơn vị cơ quan của cảnh sát giao thông đó để làm rõ và giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ với Khánh An để được giải đáp một cách nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO Là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894.
Email: Info@Khanhanlaw.net
Hoặc để lại thông tin qua Website Khanhanlaw.com. Chúng tôi sẽ liên hệ lại tới Bạn sớm nhất