Câu hỏi:
Em muốn nhờ luật sư tư vấn giúp em. Vấn đề của e như sau:E muốn đi xkld sang nhật. Đi theo diện kỹ sư kinh tế. Em có đi phỏng vấn và đã được nhận nhưng gần 2 tuần rồi e chưa ký hợp đồng. Chỉ được báo là đỗ đơn hàng. Công ty bảo e về làm hồ sơ và chuẩn bị tài chính. Khi mới đến công ty thì công ty yêu cầu nộp 10 triệu tiền học, sau đó khám sức khỏe ở bệnh viện Tràng An nhưng tiền khám thì e tự lo. Kết quả sức khỏe của e không có vấn đề gì. Sau khi báo đỗ đơn thì yêu cầu em nộp thêm 3000 usd. Em đã nộp và có phiếu thu. Nhưng e về nhà thấy sức khỏe có vấn đề e tự đi khám thì phát hiện mình có thai 6 tuần có trước khi đến công ty nhưng e không biết. Giờ em muốn hỏi luật sư trường hợp của em giải quyết như thế nào? Em có lấy lại được số tiền đã nộp không? Tất cả bằng bảng điểm hộ chiếu gốc của e công ty đang giữ. E phát hiện ra và báo cho công ty là em rút đơn. Nhưng công ty bảo là hồ sơ của e trình lên cục sợ không lấy được tiền và phải chịu tiền phá vỡ hợp đồng. Nhưng hợp đồng e chưa kí. Và lỗi khi đi khám sức khỏe sao bệnh viện không biết e có thai. Khi xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu. E kính nhờ quý luật sự cho e câu trả lời sớm nhất ạ.
Người gửi : Tuyết Trinh.
Nội dung tư vấn:
Cảm ơn Bạn đã gửi câu hỏi về chuyên mục tư vấn của Công ty TNHH tư vấn Khánh An. Với câu hỏi của Bạn, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lý
- Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006;
- Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Nghị định 126/2007/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2.Giải đáp thắc mắc
Trường hợp của bạn, bạn đi xuất khẩu lao động theo diện kỹ sư kinh tế. Điều 6 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 có quy định người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo một trong các hình thức sau đây:
“1. Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
2. Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
3. Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề;
4. Hợp đồng cá nhân.”
Theo quy định trên, có thể thấy, trường hợp của bạn là đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Điểm c Tiểu mục 1 Mục 5 Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định 126/2007/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ lao động, thương binh và xã hội ban hành có quy định như sau:
“c) Doanh nghiệp dịch vụ phải cam kết với người lao động về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài.
Trong thời gian doanh nghiệp dịch vụ đã cam kết, nếu người lao động không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nữa thì doanh nghiệp dịch vụ phải trả lại hồ sơ cho người lao động và người lao động phải chịu các khoản chi phí mà doanh nghiệp dịch vụ đã chi (nếu có) để làm thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm: chi phí làm hồ sơ, khám sức khỏe, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí tài liệu học tập, ăn, ở trong thời gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa).”
Như vậy, nếu trường hợp bạn đã trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài mà bạn không còn ý định muốn đi xuất khẩu lao động nữa, bạn có thể yêu cầu rút hồ sơ và các giấy tờ đã giao cho công ty cũng như khoản tiền bạn đã nộp cho công ty sau khi trừ đi các khoản chi phí mà công ty đã chi trả như chi phí làm hồ sơ, khám sức khỏe, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí tài liệu học tập, ăn, ở trong thời gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa).
Do đó, trường hợp của bạn, bạn hoàn toàn có thể tới công ty yêu cầu được nhận lại các giấy tờ, tài liệu cũng như số tiền mà bạn đã nộp. Nếu công ty kiên quyết không trả, bạn có quyền làm đơn khiếu nại tới Sở lao động thương binh và xã hội nơi Công ty có trụ sở chính hoặc bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân yêu cầu giải quyết.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về những thắc mắc của bạn.
Quý khách hàng có vấn đề thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894. Email: Info@Khanhanlaw.net
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO Là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Trân trọng cảm ơn các Quý khách hàng!