Câu hỏi:
Người nước ngoài muốn góp vốn vào Công ty ở VN cần thực hiện thủ tục pháp lý gì? Nếu người nước ngoài làm thủ tục góp vốn xong nhưng công ty hoạt động thua lỗ, họ bỏ về nước thì cổ đông Việt Nam phải làm thế nào?
Người gửi: Đỗ Thị Hạnh (Lào Cai).
Nội dung tư vấn:
Cảm ơn Bạn đã gửi câu hỏi về chuyên mục tư vấn luật của Công ty Tư vấn Khánh An. Với câu hỏi của bạn, chứng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Luật đầu tư năm 2014;
– Luật doanh nghiệp năm 2014;
– Quyết định số 88/2009/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam,
2. Giải đáp thắc mắc
2.1. Thủ tục pháp lý khi người nước ngoài góp vốn vào công ty ở Việt Nam.
Căn cứ điều 24 của luật đầu tư năm 2014, người nước ngoài được quyền góp vốn vào công ty ở Việt Nam.
a. Về hình thức góp vốn
Căn cứ khoản 1, điều 25 của luật đầu tư năm 2014, có các hình thức góp vốn của người nước ngoài như sau:
– Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
– Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
– Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
b. Về điều kiện
Căn cứ vào điểm a và điểm b khoản 1, khoản 3 của Điều 22 của Luật đầu tư 2014:
“Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam phải tuân thủ hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty Việt Nam không hạn chế trừ các trường hợp như sau:
– Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
– Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không phải là công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, các quỹ đầu tư, doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
c. Về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn của người nước ngoài vào công ty Việt Nam
Căn cứ tại điều 26 của luật đầu tư năm 2014 quy định: Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau đây:
– Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;
– Việc góp vốn dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế.
Hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
– Văn bản đăng ký góp vốn gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
– Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân.
Thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
– Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính;
– Trường hợp việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ để nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
2.2. Nếu người nước ngoài làm thủ tục góp vốn xong nhưng công ty hoạt động thua lỗ, họ bỏ về nước thì cổ đông Việt Nam phải làm thế nào?
Căn cứ vào điểm a và điểm b khoản 1, khoản 3 của Điều 22 của Luật đầu tư 2014: Để xác định tránh nhiệm của người nước ngoài khi góp vốn vào công ty, trước tiên cần căn cứ vào hình thức góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài đó. Theo như quy định của pháp luật về doanh nghiệp Việt Nam, trong tất cả các loại hình công ty, chỉ có thành viên công ty cổ phần được gọi là các cổ đông. Vậy căn cứ vào câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ đưa ra ý kiến tư vấn cho bạn trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty cổ phần.
Người nước ngoài đã hoàn thành xong thủ tục góp vốn vào công ty cổ phần bao gồm cả việc các thông tin của họ đã được đăng ký vào sổ đăng ký cổ đông. Khi đó họ được gọi là cổ đông của công ty.
Theo điểm c, khoản 1, điều 110, Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp”. Trong trường hợp bạn đưa ra, khi công ty làm ăn thua lỗ và nếu có các khoản nợ, thì nếu người nước ngoài là cổ đông của công ty bỏ về nước sẽ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty trong phạm vi số vốn mà họ đã góp vào công ty.
Hơn nữa, tại khoản 3, điều 36 của luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Thanh toán mọi hoạt động mua, bán, chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp và nhận cổ tức của nhà đầu tư nước ngoài đều phải được thực hiện thông qua tài khoản vốn của nhà đầu tư đó mở tại ngân hàng ở Việt Nam, trừ trường hợp thanh toán bằng tài sản”
Tại Điều 6 của Quyết định 88/2009/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam như sau: “Đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân: Có tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Mọi hoạt động mua, bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp, thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, chuyển tiền ra nước ngoài và các hoạt động khác có liên quan đến đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam đều thông qua tài khoản này”. Vậy, nếu cổ đông nước ngoài bỏ về nước, thì mọi giao dịch liên quan đến cổ phần của họ trong công ty có thể được thực hiện thông qua tài khoản mà họ đã đăng ký.
Ngoài ra, nếu điều lệ của công ty có quy định, bạn có thể căn cứ vào điều lệ của công ty để lựa chọn biện pháp xử lý trong trường hợp này.
Vậy, với những quan điểm tư vấn trên đây, chúng tôi hi vọng bạn đã nhận được câu trả lời mong muốn cho câu hỏi của mình.
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894
Email: Info@Khanhanlaw.net
Hoặc để lại thông tin trên Website Khanhanlaw.com, chúng tôi sẽ liên hệ lại tới Bạn sớm nhất.