Câu hỏi:
Tôi cùng 1 người bạn người quốc tịch Anh Quốc muốn thành lập Công ty kinh doanh sản phẩm liên quan đến thiết bị vệ sinh. Bạn tư vấn giúp mình thủ tục và hồ sơ để hoàn tất thủ tục tại Việt Nam. Cảm ơn bạn.
Người gửi: Lê Việt Hùng (Hà Nội).
Nội dung tư vấn.
Cảm ơn Bạn Việt Hùng đã gửi câu hỏi về chuyên mục tư vấn Luật của Công ty Tư vấn Khánh An. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Luật doanh nghiệp năm 2014;
– Luật đầu tư năm 2014;
– Nghị định số 118/2015/NĐ-CP về hướng dẫn Luật đầu tư 2014;
– Nghị định số 78/2015/NĐ-CP Về đăng ký doanh nghiệp,
2. Giải đáp thắc mắc
Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn, trong đó hình thức người nước ngoài đầu tư thành lập doanh nghiệp mới tại Việt Nam khá là phổ biến. Bởi lẽ đã có nhiều quy định mới ra đời hỗ trợ đáng kể và nới rộng phạm vi đầu tư cho người nước ngoài, điển hình là quy định trong luật đầu tư năm 2014. Ví dụ như: quy định thu hẹp phạm vi áp dụng cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, quy định rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quy định liệt kê cụ thể 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện…Cụ thể các điều kiện, hồ sơ và thủ tục thành lập Công ty của Bạn như sau:
a. Về chủ thể được phép đầu tư kinh doanh tại Việt Nam:
Theo quy định tại điều 18 của Luật doanh nghiệp năm 2014, Bạn và người bạn có quốc tịch Anh Quốc có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Với điều kiện hai Bạn không thuộc các trường hợp sau:
Khoản 2, điều 18 của Luật doanh nghiệp năm 2014:
– “Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trongcác cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
– Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.”
b. Về ngành nghề kinh doanh
Ngành nghề kinh doanh của công ty Bạn là “kinh doanh sản phẩm liên quan đến thiết bị vệ sinh” là ngành nghề được phép kinh doanh tại Việt Nam và không thuộc danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. (Theo quy định tại Điều 6 quy định về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và Điều 7 quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện của luật đầu tư năm 2014).
c. Về thủ tục thành lập Công ty
Công ty mà hai Bạn muốn thành lập tại Việt Nam sẽ được tiến hành theo quy định về thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó người Bạn Anh Quốc của bạn sẽ là nhà đầu tư nước ngoài.
Căn cứ vào tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty để xác định thủ tục thành lập Công ty của Bạn, có hai trường hợp như sau:
Thứ nhất: Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn thành lập Công ty mà số vốn góp chiếm từ 51% vốn điều lệ trở lên thì phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam
– Thủ tục trong trường hợp này cụ thể như sau:
Căn cứ tại Điều 22 của Luật đầu tư năm 2014 quy định về nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế. Trước tiên, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật đầu tư và phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ: Với đặc điểm công ty mà bạn thành lập, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong Công ty;
+ Về hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia hoạt động đầu tư và các điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo quy định tại điều 37, Luật đầu tư năm 2014 và hướng dẫn chi tiết tại điều 29 của Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư, trường hợp thành lập công ty của Bạn không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư quy định tại điều 30, điều 31 và điều 32 của luật đầu tư, nên sẽ thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như sau:
Hồ sơ dự án đầu tư gồm có:
+ Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
+ Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư;
+ Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
+ Bản sao một trong các tài liệu sau: bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
+ Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
+ Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án có sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính;
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 37, Luật đầu tư 2014 nếu đáp ứng các điều kiện (như đã phân tích ở trên).
Sau khi tiến hành thủ tục đăng ký đầu tư, Bạn phải tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 và Luật đầu tư 2014.
Thứ hai: Nếu nhà đầu tư nước ngoài có số vốn góp chiếm dưới 51% vốn điều lệ Công ty thì sẽ thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi thành lập tổ chức kinh tế, không phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Khi đó các bạn sẽ tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của luật doanh nghiệp 2014 và luật đầu tư 2014.
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ các thông tin cần thiết để lập hồ sơ thành lập doanh nghiệp
– Lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với định hướng phát triển của công ty: Các bạn có thể xem xét lựa chọn các loại hình công ty sau: Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty hợp danh, Công ty cổ phần;
– Chuẩn bị bản sao chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của những thành viên công ty;
– Lựa chọn đặt tên công ty: Tên công ty hợp pháp phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điều 38, điều 39, điều 40 và điều 42 của luật doanh nghiệp 2014 và điều 17, điều 18 của nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
– Xác định địa chỉ trụ sở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của công ty;
– Xác định vốn điều lệ để đưa ra kinh doanh;
– Xác định chức danh người đại diện theo pháp luật của công ty.;
– Xác định ngành nghề kinh doanh cụ thể của công ty.
Bước 2: Soạn thảo và nộp hồ sơ thành lập công ty
– Soạn thảo hồ sơ công ty, chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ quy định tại Điều 22 của Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
– Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền nộp hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (khoản 1, điều 27 của Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp).
Sau khi nộp hồ sơ hợp lệ, Bạn sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc do Phòng Đăng ký kinh doanh cấp (Khoản 1, điều 28 của luật doanh nghiệp).
Như vậy, với những tư vấn về thủ tục và hồ sơ trên đây của chúng tôi, bạn và người bạn mang quốc tịch Anh Quốc hoàn toàn có thể thành lập công ty ở Việt Nam với lĩnh vực kinh doanh là “kinh doanh sản phẩm liên quan đến thiết bị vệ sinh”.
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO Là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894.
Email: Info@Khanhanlaw.net
Hoặc để lại thông tin trên Website Khanhanlaw.com, Chúng tôi sẽ liên hệ lại tới Bạn sớm nhất.