Câu hỏi:
Công ty sản xuất phân bón có cần đăng ký hay giấy phép con gì không? Việc đăng ký bảo hộ công thức phân bón bên Cục SHTT thì làm như thế nào ạ? Cảm ơn Anh/Chị.
Người gửi: Bạn Hoàng Anh.
Nội dung tư vấn:
Cảm ơn Bạn đã gửi câu hỏi về chuyên mục tư vấn của Công ty Khánh An. Với câu hỏi của Bạn, Chúng tôi đưa ra quan điểm tư vấn của mình cho Bạn như sau:
1. Căn cứ pháp luật.
– Nghị định 202/2013/NĐ-CP Về quản lý phân bón;
– Nghị định 77/2016/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương,
2. Giải đáp thắc mắc.
Thứ nhất, điều kiện sản xuất phân bón được quy định tại điều 8 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP và sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 77/2016 như sau:
"1. Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về sản xuất phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất – kỹ thuật, gồm:
a) Địa điểm, diện tích, nhà xưởng, kho chứa phù hợp với công suất sản xuất phân bón;
b) Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ phù hợp với công suất và chủng loại phân bón sản xuất;
c) Áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng; có tiêu chuẩn áp dụng cho nguyên liệu đầu vào đảm bảo các điều kiện về quản lý chất lượng sản phẩm phân bón;
d) Có phòng thử nghiệm, phân tích hoặc có thỏa thuận với tổ chức thử nghiệm, phân tích được chỉ định hoặc công nhận và đã đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm, phân tích theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa để quản lý chất lượng sản phẩm;
đ) Có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
e) Có đủ các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Yêu cầu về nhân lực
a) Có ít nhất một cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên một trong các chuyên ngành sau: Hóa, lý, sinh học, nông nghiệp, trồng trọt, khoa học cây trồng, nông hóa thổ nhưỡng”.
b) Người lao động trực tiếp sản xuất phân bón phải được huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về phân bón.”
Ngoài ra, điều kiện sản xuất phân bón vô cơ được quy định chi tiết tại điều 8a Nghị định 77/2016/NĐ-CP:
"1. Dây chuyền sản xuất phải được cơ giới hóa và phải bảo đảm được chất lượng loại phân bón sản xuất. Máy móc, thiết bị để sản xuất phân bón phải có nguồn gốc rõ ràng và hợp pháp. Máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh theo quy định.
2. Quy trình công nghệ sản xuất đối với từng loại phân bón phải phù hợp với máy móc thiết bị và công suất sản xuất.
3. Phòng thử nghiệm của cơ sở sản xuất phân bón phải có khả năng phân tích được các chỉ tiêu chất lượng quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm đầu ra và các chỉ tiêu chất lượng quy định tại tiêu chuẩn áp dụng đối với nguyên liệu đầu vào để kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Cơ sở sản xuất phân bón vô cơ không có phòng thử nghiệm hoặc có phòng thử nghiệm nhưng không thử nghiệm được hết các chỉ tiêu chất lượng quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì phải có hợp đồng với phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc được công nhận để kiểm soát chất lượng phân bón sản phẩm.
4. Tổ chức, cá nhân thuê tổ chức, cá nhân khác sản xuất phân bón vô cơ phải có hợp đồng bằng văn bản và phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP. Tổ chức, cá nhân nhận thuê sản xuất phân bón vô cơ phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP và yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật, tài liệu kỹ thuật quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này. Tổ chức, cá nhân thuê tổ chức, cá nhân khác sản xuất phân bón vô cơ lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ theo quy định của Bộ Công Thương.”
Điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác được quy định tại khoản 8b Nghị định 77/2016/NĐ-CP:
"Điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 8 được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác. Trong thời gian quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được ban hành thì thực hiện theo quy định sau:
1. Công suất sản xuất
Công suất sản xuất phân bón phải phù hợp với dây chuyền, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ sản xuất.
2. Diện tích phục vụ sản xuất
a) Có hoặc thuê nhà xưởng, kho/bãi chứa nguyên liệu, kho chứa thành phẩm với diện tích phù hợp với công suất sản xuất;
b) Có hoặc thuê diện tích mặt bằng đáp ứng yêu cầu về giao thông nội bộ, nhà điều hành, phòng kiểm nghiệm hoặc các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật.
3. Kho chứa thành phẩm và kho chứa nguyên liệu
a) Có kho chứa hoặc có hợp đồng thuê kho chứa phù hợp với công suất sản xuất hoặc kế hoạch sản xuất;
b) Kho chứa có mái che, tường bao chắc chắn, có nền chống thấm và có các phương tiện bảo quản, trừ kho chứa nguyên liệu hữu cơ;
c) Có nội quy kho chứa đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn lao động.
4. Máy móc, thiết bị sản xuất
a) Có dây chuyền, máy móc, thiết bị sản xuất từ khâu xử lý nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng đáp ứng được công suất sản xuất và quy trình công nghệ. Các công đoạn, hệ thống bắt buộc phải sử dụng máy móc, thiết bị được cơ giới hóa hoặc tự động hóa: Xúc, đảo trộn nguyên liệu, khi sản xuất phân bón rễ; nghiền sàng đối với phân bón dạng rắn, dạng bột; khuấy trộn, lọc đối với phân bón dạng lỏng; dây chuyền vận chuyển; hệ thống sấy, tạo hạt đối với phân bón dạng hạt, viên hoặc hệ thống sấy khi có yêu cầu phải sấy đối với dạng bột; hệ thống cân, đóng gói thành phẩm;
b) Trường hợp tự sản xuất chủng men giống để sản xuất phân hữu cơ vi sinh hoặc phân vi sinh vật, các thiết bị tạo môi trường và nuôi cấy vi sinh vật gồm: Cân kỹ thuật, máy lắc, nồi hấp tiệt trùng, tủ ấm, tủ sấy, máy lắc nhu động, lò vi sóng, tủ cấy vi sinh vật, tủ lạnh, nồi lên men hoặc thiết bị lên men đối với sản xuất phân bón vi sinh vật và phân hữu cơ vi sinh;
c) Trường hợp tự lên men để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân sinh học phải có hệ thống thiết bị lên men thủy phân theo dây chuyền từ nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng.
6. Quy trình công nghệ sản xuất
Có quy trình công nghệ sản xuất đối với từng loại phân bón phù hợp với máy móc thiết bị và công suất sản xuất.
7. Quản lý chất lượng
Có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trở lên hoặc tương đương; đối với cơ sở mới thành lập, muộn nhất sau một năm kể từ ngày thành lập.
8. Nguyên liệu, phụ gia sản xuất phân bón
a) Có bản kê khai loại nguyên liệu, phụ gia đầu vào tương ứng với từng loại phân bón sản xuất, phù hợp với công nghệ sản xuất;
b) Có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng về nguyên liệu và phụ gia.
9. Phòng kiểm nghiệm
a) Có phòng kiểm nghiệm phân tích được các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc có hợp đồng với phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc công nhận để kiểm soát chất lượng cho từng lô phân bón được sản xuất;
b) Trường hợp có phòng kiểm nghiệm để tự kiểm nghiệm, các máy móc, thiết bị đo lường kiểm nghiệm phải có giấy kiểm định hiệu chuẩn định kỳ theo quy định.”
Ngoài ra, bạn cần làm Giấy phép sản xuất phân bón, hồ sơ gồm:
"1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu quy định;
b) Bản chụp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 8 Nghị định này.
2. Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể mẫu đơn, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc đáp ứng đủ điều kiện về sản xuất phân bón vô cơ tại Khoản 1 Điều này. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể mẫu đơn, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc đáp ứng đủ điều kiện về sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác tại Khoản 1 Điều này.”
Thứ hai, về thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế, bạn cần đáp ứng đầy đủ:
Yêu cầu đăng ký sáng chế:
1. Tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện sau có quyền đăng ký sáng chế:
+ Tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình;
+ Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thoả thuận đó không trái với quy định của pháp luật;
+ Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký sáng chế đó chỉ được thực hiện nếu tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý;
+ Trường hợp sáng chế được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước:
+ Trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật, quyền đăng ký sáng chế thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký sáng chế;
+ Trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở Nhà nước góp vốn (kinh phí, phương tiện vật chất – kỹ thuật), một phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước là chủ phần vốn đầu tư của Nhà nước có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện phần quyền đăng ký sáng chế;
+ Trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu – phát triển giữa tổ chức, cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân khác, nếu trong thoả thuận hợp tác nghiên cứu – phát triển không có quy định khác thì một phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ đóng góp của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hợp tác đó, thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước tham gia hợp tác nghiên cứu – phát triển có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký sáng chế.
2. Để được cấp Bằng độc quyền sáng chế, giải pháp nộp đơn phải đáp ứng các yêu cầu sau: Có tính mới; Có trình độ sáng tạo; Có khả năng áp dụng công nghiệp.
3. Để được cấp Bằng bảo hộ độc quyền Sáng chế/ Giải pháp hữu ích phải đáp ứng các yêu cầu sau: Có tính mới; Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Việc tiếp nhận đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, ngày nộp đơn quy định tại điều 108 Luật Sở hữu trí tuệ 2005:
"1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chỉ được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp nhận nếu có ít nhất các thông tin và tài liệu sau đây:
a) Tờ khai đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, trong đó có đủ thông tin để xác định người nộp đơn và mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu;
b) Bản mô tả, trong đó có phạm vi bảo hộ đối với đơn đăng ký sáng chế; bộ ảnh chụp, bản vẽ, bản mô tả đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp; bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý;
c) Chứng từ nộp lệ phí nộp đơn.
2. Ngày nộp đơn là ngày đơn được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp nhận hoặc là ngày nộp đơn quốc tế đối với đơn nộp theo điều ước quốc tế.”
Sau đó, đơn đăng ký sáng chế được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày nộp đơn hoặc từ ngày ưu tiên đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên hoặc vào thời điểm sớm hơn theo yêu cầu của người nộp đơn.
Như vậy, chúng tôi đã giải đáp xong câu hỏi của bạn.
UY TÍN – CHẤT LƯỢNG – HIỆU QUẢ CAO Là những giá trị chúng tôi mang tới cho các Quý Khách hàng. Đáp lại những giá trị đó là những phản hồi rất tích cực đã mang lại động lực cho Khánh An phát triển như ngày hôm nay.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 02466.885.821 hoặc 096.987.7894.
Email: Info@Khanhanlaw.net.
Hoặc để lại thông tin trên Website, Chúng tôi sẽ liên hệ lại cho Bạn.